Ngủ là nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể. Giấc ngủ cũng là thời gian để các cơ quan trao đổi chất trong cơ thể tự điều chỉnh và tự chữa lành. Đảm bảo ngủ đủ giấc mới có thể duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan nội tạng, trong đó có lá gan. Nếu bạn giảm chất lượng giấc ngủ trong thời gian dài và hình thành thói quen ngủ sai, sẽ không khác gì đang tự hủy hoại lá gan của mình.
Chúng ta đều biết gan có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, gan cũng cần tự điều chỉnh và nghỉ ngơi để sửa chữa những tổn thương do các hoạt động của nó gây ra. Thời gian ngủ cũng giống như thời gian "tự chữa lành" của gan. Chất lượng giấc ngủ càng cao thì hiệu quả tự phục hồi và làm sạch của gan càng cao.
Do đó, nếu bạn hình thành thói quen ngủ sai, vì mối liên hệ mật thiết giữa gan và giấc ngủ, đương nhiên sẽ dẫn đến giảm hiệu quả làm việc của gan, giảm khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng, nhiều chất chuyển hóa sẽ bị tích tụ trong gan. Các chất chuyển hóa này tiếp tục kích thích gan và cũng dễ gây ra nhiều bệnh về gan.
Đặc biệt, trong nghiên cứu mới đây các chuyên gia cho biết, những người ngủ ngày nhiều, ngáy và không ngon giấc vào ban đêm có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ chỉ một loạt tình trạng xảy ra do sự tích tụ chất béo trong gan. Bệnh thường thấy ở những người thừa cân, béo phì và dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng.
Dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy, vào năm 2021, 2.085 người đã phải nhập viện do căn bệnh trên ở nước này. Tỉ lệ cao nhất được ghi nhận ở những khu vực thiếu thốn.
Các chuyên gia tại Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu, Trung Quốc đã phân tích dữ liệu của hơn 5.000 người trưởng thành sống chung với tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nhóm tác giả phát hiện ngáy và ngủ ngày hơn 30 phút có liên quan đáng kể đến tăng khả năng mắc bệnh. Những người tham gia khảo sát đã cố gắng cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm được 29% nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nội tiết Lâm sàng & Trao đổi chất. Theo đó, những người ít vận động và mắc chứng béo phì có giấc ngủ kém chất lượng hơn những người bình thường.
Tiến sĩ Yan Liu thuộc Đại học Trung Sơn, chia sẻ, chỉ cần những thay đổi nhỏ trong thói quen ngủ cũng có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn.
“Phân tích của chúng tôi cung cấp bằng chứng rằng chỉ cần cải thiện chất lượng giấc ngủ ở một mức độ nhất định cũng đủ để giảm nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ, đặc biệt ở những người có lối sống không lành mạnh”, Tiến sĩ Liu nói.
“Do có nhiều người có chất lượng ngủ không tốt chưa được chẩn đoán và điều trị, chúng tôi kêu gọi nghiên cứu thêm về lĩnh vực này và đưa ra các chiến lược để cải thiện tình hình".
Minh Hoa (t/h)