Lợi ích ăn óc heo, không phải ai cũng biết
Thành phần dinh dưỡng trong 100g óc heo chứa 9g đạm, 9,5g chất béo, 7mg canxi, 311mg phốt pho, 1,6mg sắt, 0,14mg B1, 0,2mg B2. Còn gan heo chứa 18g chất đạm, 3,6g chất béo, 7mg canxi, 333mg phốt pho, 12mg sắt, 6000mg vitamin A, 0,4mg B1, 2,4mg B2.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo VTC News, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia, quan điểm ăn gì bổ nấy có từ trong dân gian, nhiều người tin rằng ăn gan bổ gan, ăn tim bổ tim, ăn óc bổ não. Thậm chí, có người cho rằng ăn óc heo bổ óc, chữa đau đầu, thiếu máu não.
Bác sĩ Hưng từng gặp bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu nhưng vẫn cố ăn ngày cái óc lợn để khoẻ, để minh mẫn. Trong khi đó, sự thật là bệnh nhân chưa minh mẫn mà mỡ máu cao chót vót vì hàm lượng đạm, mỡ trong óc rất lớn. Các bậc cha mẹ sợ cho con ăn gan nhưng lại bồi bổ óc. So sánh giá trị dinh dưỡng của gan và óc cho thấy, gan nhiều hàm lượng sắt, phốt pho, chất đạm hơn óc.
Đặc biệt, nếu so sánh óc với gan - loại thực phẩm nhiều người nói "không tốt, ăn gan gà là độc" - thì hàm lượng chất đạm của óc chỉ bằng một nửa gan, của tuỷ chỉ bằng 1/9 gan.
Đặc biệt trong gan chứa nhiều vitamin A, loại vitamin rất tốt với sự phát triển của trẻ em và chống lão hóa ở người cao tuổi thì trong óc và tủy lại không có. Hoặc nếu so sánh với một số loại thực phẩm khác như thịt lợn nạc, thịt gà, thịt bò thì hàm lượng chất đạm của óc và tủy cũng thấp hơn nhiều.
Không chỉ vậy, trong óc hàm lượng cholesterol rất cao. 100g óc heo có tới 2195mg cholesterol, là chất dễ gây xơ vữa động mạch ở người lớn. Nhu cầu cholesterol hàng ngày chỉ cần dưới 300mg.
Nếu ăn 100g óc thì lượng cholesterol cao gấp 7 lần nhu cầu hàng ngày. Điều đó cho thấy óc không phải là thức ăn bổ dưỡng như nhiều người lầm tưởng, ăn quá nhiều thì còn có hại.
TS Hưng cho rằng, một đứa trẻ thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, phương pháp nuôi dưỡng, dạy dỗ chứ không phải ăn óc mới thông minh.
Phương pháp nuôi dưỡng đúng đắn là cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, đường, chất béo, các vitamin và khoáng chất ở tỉ lệ cân đối hợp lý bằng cách ăn đa dạng các lọai thực phẩm.
Những lưu ý khi ăn óc heo
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trên báo Vnexpress, khi bổ sung óc heo vào thực đơn hằng ngày cần lưu ý:
- Người lớn, trẻ nhỏ nên lưu ý ăn lượng vừa phải, mỗi tuần chỉ nên ăn tối đa 1-2 lần, mỗi lần không quá 50 g.
- Người cao tuổi, người bị cholesterol cao, có bệnh tim mạch không nên tiêu thụ óc động vật.
- Không dùng óc heo để điều trị bệnh đau đầu vì ăn nhiều làm tăng cholesterol, tăng huyết áp, khiến tình trạng đau đầu nặng hơn.
Cũng theo vị chuyên gia này, hằng ngày cơ thể cần được cung cấp đủ các chất thiết yếu như chất bột đường có trong bánh mì đen, khoai lang, khoai tây, bắp.. Chất béo thiết yếu, như omega 3 và omega 6 có nhiều trong cá hồi, cá thu, quả bơ, tảo biển, rau bắp cải, dầu thực vật, thịt gà.
Phốt pho và lexithin có nhiều trong lòng đỏ trứng, củ lạc. Sữa, phô mai, thịt, cá, trứng chứa axit amin. Rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin C, B, D, E. Kẽm có nhiều trong hải sản, thịt, cá. Huyết, gan, thịt, cá, trứng, rau xanh, các loại đậu giàu sắt.
Những ai nên hạn chế ăn óc heo
- Người cao tuổi.
- Người bị cholesterol cao.
- Người có bệnh tim mạch.
Nhiều người có quan niệm "ăn gì bổ nấy", thường gặp nhất là ăn óc động vật (như óc heo) giúp bổ não, tăng cường trí nhớ. Tuy nhiên, chỉ riêng óc heo hoặc óc các loại động vật khác không thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng về dinh dưỡng và năng lượng cho não hoạt động. Theo đó, không dùng óc heo để điều trị bệnh đau đầu vì ăn nhiều làm tăng cholesterol, tăng huyết áp, khiến tình trạng đau đầu nặng hơn.
Trúc Chi (t/h)