Theo ông Hồng, aldicarb là một loại thuốc cực độc, có thể làm tổn thương hệ hô hấp, hệ thần kinh, gây đau đầu, run rẩy và thậm chí tử vong nếu tồn dư nhiều trong người.
Cũng theo ông Hồng, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc nông dân tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sử dụng thuốc trừ sâu aldicarb để chống sâu rầy và bảo quản củ gừng, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy 50 mẫu gừng Trung Quốc đang bày bán tại 10 chợ có quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM phân tích giám sát và phát hiện 1 mẫu có dư lượng aldicarb là 0,06 ppm.
“Trên cơ sở kết quả kiểm tra nói trên, chúng tôi đã bổ sung aldicarb vào danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm đối với gừng và các loại củ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam. Người tiêu dùng cần rửa sạch củ gừng và bóc kỹ vỏ củ gừng trước khi sử dụng”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, ở nước ta, gừng không phải là thực phẩm chính nên lượng tiêu thụ không nhiều. Tuy vậy, do thuế suất bằng 0 nên gừng nhập từ Trung Quốc đều thông qua chính ngạch và từ đầu năm 2013 đến nay đã có trên 330 tấn gừng Trung Quốc nhập khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai, trên 400 tấn qua cảng TP.HCM.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật phát hiện một mẫu chanh vàng nhiễm dư lượng chất carbendazim (một hoạt chất bảo vệ thực vật, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng) vượt tiêu chuẩn tối đa cho phép theo quy định của Việt Nam. Còn trong năm 2012, một số mẫu nho, lê và khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị phát biện chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức tối đa cho phép và bị xử lý theo quy định hiện hành của Việt Nam.
Phân biệt gừng Trung Quốc và Việt Nam
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, gừng Trung Quốc và gừng Việt Nam có nhiều đặc điểm khác nhau nên rất dễ phân biệt. “Gừng Trung Quốc củ to hơn, vỏ bóng nhẵn, lõi có nhiều xơ hơn trong khi củ gừng Việt Nam thường có nhiều nhánh, rất khó bóc vỏ, vỏ có màu nâu sẫm, cay và thơm hơn”, ông Hồng nói.
Theo Thanh Niên