Trong tác phẩm mới nhất này, Geshe Micheal Roach cùng hai tác giả Lama Christie Mcnally và Michael Gordon, đã đưa những đường lối mới mẻ và độc đáo để giúp cho độc giả thành công trong cuộc đời và sự nghiệp thông qua áp dụng những minh triết cổ xưa. Đặc biệt, từ câu chuyện bán được 100.000 sản phẩm được đưa ra làm ví dụ minh họa, cuốn sách đem đến những chỉ dẫn chi tiết cho những ai đang làm trong ngành bán hàng, những người đang phải chịu những căng thẳng, áp lực lớn từ việc đạt chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận.
Đối với doanh nhân, cuốn sách chỉ ra cho họ bí quyết để xây dựng doanh nghiệp thực sự “vĩ đại” và “trường tồn”, đơn giản và cốt lõi hơn nhiều so với những quy tắc mà Jim Collins đã từng khám phá.
Bằng cái nhìn nhân quả, các tác giả đã chỉ ra điều gì thực sự đang vận hành bên dưới những sự việc đang xảy ra trong đời sống và công việc làm ăn của chúng ta. Sau đó, chỉ cho chúng ta cách làm thế nào hoá giải những vướng mắc, khó khăn và tự tạo cho mình những thuận lợi, vận may mới. Đó chính là công việc gần giống như người làm vườn: ngăn chặn những hạt giống xấu và gieo trồng những hạt giống tốt trên mảnh vườn - tâm thức để có thể thành công và mãn nguyện.
Cốt lõi tư tưởng của cuốn sách thì vẫn là một điều giản dị ai cũng biết: làm điều thiện, tránh làm điều ác. Nhưng để áp dụng điều này vào cuộc sống, nhất là trong công việc kinh doanh thì không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi người ta phải có sự thấu hiểu về thể cách vận hành của nhân quả, từ đó khéo léo và tinh tế trong việc ngăn chặn những hạt giống xấu để chúng không tiến triển, nảy nở thành chướng ngại hoặc tai họa cho sự nghiệp của ta. Đồng thời, biết cách gieo trồng và nuôi dưỡng những hạt giống tốt, thứ sẽ đem đến những điều như ý cho ta.
Tất cả những chỉ dẫn để làm các việc đó đều được tác giả vạch ra rõ ràng, được minh họa bằng những sơ đồ sáng sủa, giúp người đọc có thể hiểu được một cách mạch lạc tư tưởng của tác giả. Rồi từ đấy, độc giả có thể áp dụng những chỉ dẫn đó vào trong cuộc sống và công việc của mình.
Tuy nhiên, không chỉ là các người thông hiểu những trí tuệ cổ xưa, cả ba tác giả đều là những người đã thực sự hành động, áp dụng những điều mình đã viết ra vào cuộc sống của mỗi người. Và ba câu chuyện thành công của ba người họ là những minh chứng đầy thuyết phục và truyền cảm hứng cho độc giả.
Là một trong hai người dịch cuốn sách, ngay sau khi dịch xong, tôi đã bắt đầu thử áp dụng những ý tưởng được đưa ra trong sách. Sau khoảng thời gian gần hai tháng tích cực gieo trồng những hạt giống tốt, thật bất ngờ, tôi đã nhận được trái ngọt như ý đầu tiên. Dù trái ngọt này còn nhỏ bé nhưng đối với tôi, nó mang ý nghĩa khuyến khích động viên lớn lao. Nó giúp tôi có thêm niềm tin vào những ý tưởng được đề cập trong sách cũng như động lực để tiếp tục gieo trồng những hạt giống tốt, hướng tới sự thành tựu ước mơ của mình.
Cuối cùng, điều tôi cảm thấy thú vị nhất khi đọc Quản lý Nghiệp là các tác giả đang dẫn dụ người đọc vào cách tư duy và lối sống đạo đức, vì tha nhân mang tinh thần Phật giáo mà không phải nói quá nhiều về giáo lý, dùng quá nhiều ngôn ngữ nhà Phật.
Bằng sự kết hợp khéo léo giữa minh triết thâm sâu của Phương Đông và tư duy thực dụng phương Tây, các tác giả đã khéo léo tác động vào nhân sinh quan ngày càng quy ngã của con người hiện đại trước vòng xoáy của đồng tiền, danh vọng và vật chất. Từ đó, khuyến khích những ai có khuynh hướng như vậy thành những “kẻ ích kỷ khôn ngoan” như lời khuyên đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14: “Nếu ta biết kềm chế những động lực ích kỷ trong ta - giận dữ chẳng hạn - và phát triển lòng tử tế và tâm từ cho tha nhân, thì rút cục ta sẽ là người được lợi lạc hơn cả. Thành ra tôi vẫn thường hay nói với mọi người là kẻ ích kỷ khôn ngoan (the wise selfish person) phải thực tập như thế. Kẻ vô minh lúc nào cũng nghĩ về mình và kết quả chỉ là tiêu cực, khổ đau. Kẻ ích kỷ khôn ngoan hay nghĩ đến người khác và giúp người bằng hết sức mình và như vậy họ cũng hưởng lợi lạc.”
Những ý tưởng được đưa ra trong cuốn sách có thể sẽ hơi lạ lẫm với độc giả là người chưa tìm hiểu nhiều về Phật giáo. Các câu chuyện thành công của ba tác giả có thể gây hoài nghi cho những người đã quá vất vả, vật lộn để đạt được những gì mình đang có. Vì vậy, theo tôi, để có thể lĩnh hội tốt những tư tưởng của cuốn sách, điều cần nhất ở độc giả là tâm vô tư, vô nhiễm và vô cầu.
Đỗ Hoàng Tùng