Đủ kiểu tàu cá vi phạm
UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, từ năm 2023 đến nay, không có tàu cá nào của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ khi vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển. Tuy nhiên, các vi phạm của tàu cá vẫn còn diễn ra khá phức tạp.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện công tác chống khai thác IUU của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 7, các đơn vị đã phối hợp kiểm tra và xử phạt hành chính 75 vụ vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền xử phạt vi phạm hơn 1,5 tỷ đồng.
Trong đó, các hành vi bị phạt chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá - VMS (55/75 vụ); ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét theo quy định…
Theo hệ thống giám sát hành trình tàu cá, thì từ đầu năm đến nay có 147 tàu cá từ 15 m trở lên mất kết nối trên 6 giờ trên biển. Đa số các tàu cá này đều làm nghề tàu câu mực khơi và có thời gian đi trên biển dài ngày.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, có 6 tàu cá vi phạm ranh giới được phép khai thác thủy sản trên biển. Tuy nhiên, có 3 tàu vi phạm trước ngày 20/5 nên không thể xử lý vì thời điểm đó Nghị định 42/2019/NĐ-CP không có điều khoản xử phạt hành vi "tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận".
Còn lại 3 tàu cá vi phạm sau ngày 20/5, nhưng thuộc trường hợp bất khả kháng do thời tiết xấu, thúng câu mực của ngư dân bị trôi tự do trên biển và vô tình vượt qua ranh giới cho phép khai thác, thời gian vi phạm quá ngắn nên không đủ cơ sở để xử lý.
Hết tàu "3 không" vào tháng 9
Ông Bửu nhìn nhận, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bốc dỡ thủy sản khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, tình trạng mất kết nối tín hiệu giám sát hành trình trên biển đối với các tàu làm nghề câu mực khơi vẫn còn vi phạm nhiều.
Tính đến 26/7, tỉnh Quảng Nam có 3.395 tàu cá, trong đó có 2.226 tàu cá đã được đăng ký và 1.169 tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, tức tàu "3 không".
Ông Bửu yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm Biên phòng tuyến biển. Chỉ giải quyết xuất bến đối với tàu cá đi biển có đầy đủ các giấy tờ hành chính theo quy định.
Mở các đợt cao điểm, cùng với các lực lượng liên quan tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên biển, trên sông để tăng cường, nâng cao hoạt động thực thi pháp luật, chống khai thác IUU.
Tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương nghề cá tiến hành rà soát, kiểm tra tàu mất kết nối thiết bị VMS nhằm có giải pháp ngăn chặn kịp thời đối với nhóm tàu cố tình vi phạm VMS trên địa bàn tỉnh.
Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng, chủ các tàu đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho tất cả tàu và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Việc này hoàn thành trước tháng 9/2024.
Địa phương kiên quyết 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập, rời cảng phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ đặc biệt thiết bị VMS trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định. Đồng thời, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại các cảng cá (cả cảng cá tư nhân, bến cá), giám sát và truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, các đơn vị chức năng sẽ xử lý nghiêm tàu cá vi phạm không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên