Thời điểm này thị trường bánh kẹo, mứt phục vụ nhu cầu Tết đang hoạt động mạnh, lượng hàng bán ra nhiều, sức mua cũng lớn. Tuy nhiên để chọn được sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lại là chuyện không hề dễ dàng.
Cơ sở sản xuất mứt bẩn
Từ trước đến nay, khi nhắc đến sản xuất mứt Tết, người dân TP.HCM thường nghĩ ngay đến một số địa điểm lâu đời chuyên về sản xuất mứt như Xóm Đất (Q.11), Khu cư xá Đường Sắt (Q.3), Tỉnh Lộ 10 (Q.Bình Tân)...
Thật không khó để chúng tôi tiếp cận cơ sở mứt Phước Thành (199 Xóm Đất, P.9, Q.11), bởi nơi đây hoạt động sản xuất công khai trước cửa mặt tiền nhà, nhiều người đi qua lại. Khung cảnh đầu tiên đập vào mắt 4 thùng phi nhựa to lớn màu xanh để trước cửa nhà, lấn đường đi, kế bên là miệng cống rãnh hôi thối.
Bên trong những thùng phi này chứa một loại nước “đặc biệt” có khả năng tẩy trắng cơm dừa đã được cắt dọc thành từng loạn nhỏ. Đây là giai đoạn “tẩy” nên cơm dừa được ngâm lâu có khi cả ngày liền. Để đánh tan vết bẩn và làm mềm cơm dừa, một thanh niên dùng cây tre dài nguấy, đảo qua lại cơm dừa trong thùng phi nhiều lần.
Nước sau khi ngâm xong được thải trực tiếp lênh láng ngay ống cống trước nhà với màu trắng bệch, đặc quánh, kèm mùi khó chịu, khi ngửi cảm giác buồn nôn.
Thùng phi lớn chứa một loại nước "đặc biệt" nhằm tẩy trắng và làm mềm cơm dừa trong thời gian nhanh nhất.
Các loại rổ rá bằng tre, túi ni long treo lủng lẳng trên cửa sắt, nhiều vật dụng treo móc vách tường, giày dép để đầy trước ngạch cửa, nước bẩn vấy vương vãi trên nền nhà... Kẻ ngồi ghế, người ngồi bệt dưới đất ăn uống, nói cười rôm rả.
Có khoảng 10 lao động, trong đó có người ở trần, chỉ độc chiếc quần đùi ngắn, tay cầm thuốc bập phì phèo, tay cầm miếng dừa múc đổ vào máy bào, máy cắt. Lúc ngứa thì dùng tay gãi đầu, chân, mồ hôi nhễ nhại thì dùng tay quyệt trán. Điều đáng nói, máy móc sản xuất thì gỉ sét, thô sơ, người làm thì không găng tay, không bảo hộ lao động.
Bên vỉa hè, người phụ nữ khoảng 55 tuổi ngồi bệt xuống đất tay cầm dao bản to bóc tách từng mảng cơm dừa lớn từ vỏ dừa. Sau khi bóc tách xong, cơm dừa được đưa đến một máy cắt thô nhằm chia từng mảng ra, tiếp đó, được đưa đến chiếc máy khác có chức năng chia cắt thành từng sợi mỏng hơn nữa.
Người đàn ông lớn tuổi ở trần, phì phèo thuốc lá, lâu lâu khạc nhổ đờm khiến ai chứng kiến cũng phải rùng mình.
Ngồi bên máy cắt cơm dừa thái nhỏ là người đàn ông khoảng 65 tuổi, chỉ độc chiếc quần cụt, miệng phì phèo điếu thuốc lá, ngồi trên chiếc ghế đẩu, chân gác lên cao. Người này dùng tay trần hốt từng miếng cơm dừa bỏ vào lỗ chiếc máy cắt, sau đó lại lấy tay ngấy đảo liên tục những sợi cơm dừa đang chạy đổ xuống thúng (rổ) tre dưới đất. Thỉnh thoảng ông lại khạc đờm vào một góc vách tường, người chứng kiến vội vàng quay chỗ khác không dám nhìn.
Đây chỉ là một công đoạn ban đầu của "hành trình" tạo ra miếng mứt thơm ngon, đẹp mắt sau này nhưng bấy nhiêu đó cũng đã đặt ra nhiều vấn đề. Những cơ sở này có được cấp phép sản xuất, có đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thuê nhân công có hợp đồng lao động, có kiểm tra sức khỏe, v.v...
Thủ vai khách cần mua lẻ về dùng, tôi được con gái của chủ cơ sở mứt Phước Thành cho biết, hiện tại cơ sở chưa có chủ trương bán lẻ mà chỉ bỏ sỉ các đầu mối tại các chợ trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, sau một vài lời năn nỉ, cô gái cũng đồng ý bán lẻ với các mức giá: mứt dừa 90.000 đồng/ký, mứt gừng 60.000 đồng/ký, mứt khoai 40.000 đồng/ký. “Ở đây tôi chỉ bán lẻ từ 1 kg trở lên chứ không bán ít hơn được” – cô gái miệng nói tay gãi ngứa.
Bên ngoài và trong nhà có nhiều thùng mứt được đóng bao bì sẵn loại 10kg, vừa in chữ Việt vừa chữ Hoa, ghi ngày sản xuất 4/1/2013, được sắp xếp ngay ngắn. Chốc chốc lại có người chở hàng đi bỏ tại các địa điểm tiêu thụ.
Cách cơ sở Phước Thành chừng vài căn nhà, phía đối đối diện, một cơ sở khác (địa chỉ: 166 Xóm Đất, P.9, Q.11) cũng sản xuất mứt, quy mô lớn hơn Phước Thành nhiều lần. Gần chục thùng phi lớn để trong nhà, cũng ngần ấy thanh niên trai tráng lực lưỡng, đang dùng thanh tre quậy vào thùng nước chứa cơm dừa ngâm trong thùng, mồ hôi nhễ nhại, nóng nực nên có người cởi áo vắt vai, làm việc cật lực....
Nguyên liệu từ... dừa rác thải
Gần đây trong dịp tình cờ, sau khi dùng nước dừa trên đường, chúng tôi ném vỏ dừa (uống nước còn lại cơm dừa - PV) vào sọt rác tức thì một phụ nữ nhanh chóng tiếp cận vội vã lấy vỏ dừa ra với vẻ mặt hớn hở.
Chúng tôi ngạc nhiên, thì được biết, bà tên Mến, là người thu gom ve chai, nhặt rác thải. Bà lấy vỏ dừa bên trong còn cơm dừa không phải để ăn mà bà dùng để bán lại những cơ sơ chế biến mứt.
Qua vụ việc, chúng tôi tiếp tục đeo bám bà ta, phát hiện những vỏ cơm dừa bị hư do để lâu vứt nằm lăn lóc ngoài đường, cũng có những vỏ cơm dừa nằm trong đống rác bẩn lâu ngày bị ố vàng, ruồi nhặng bám đậu đầy cũng được “săn” lấy.
Bà Mến thật thà nói, nhìn bề ngoài thấy vậy chứ khi mang về nơi sản xuất, những cơm dừa sẽ được chế biến thành mứt rất ngon và đẹp mắt nữa.
Một ngày trung bình bà Mến gom về được chừng 15-20 vỏ cơm dừa, chị mang đến những cơ sở đầu mối chuyên thu mua trái dừa, vỏ cơm dừa rồi bán lại với giá từ 500 - 1.000 đồng, có khi lên đến 2.500 đồng/vỏ, tùy chất lượng dừa.
Qua tìm hiểu, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất mứt có địa chỉ nằm trên đường Bùi Minh Trực, P.2, Q.8. Nơi này, dừa khô, dừa non chất đống, có khoảng 5 nhân công có mặt dùng dao, muỗng để nạy móc cơm dừa ra ném vứt lăn lóc trên nền nhà đầy đất cát. Những thùng nước dùng rửa vội cơm dừa, vỏ dừa với màu đen kịt, bốc lên mùi khó chịu, ruồi nhặng bu đầy.
Mỗi ngày lò này bán trên 500kg cơm dừa cho một số cơ sở làm mứt với giá dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg. Riêng cung cấp cho cơ sở Phước Thành từ 150-170kg/ngày.
Ngoài ra, tại quận 3, cũng có nhiều địa chỉ “đen” sản xuất mứt bẩn, phải kể đến Khu cư xá Đường Sắt nằm trên địa bàn P.1, Q.3 - chuyên sản xuất các loại mứt me, mứt mãng cầu. Hay cơ sở sản xuất mứt dừa nằm ngay góc đường Trần Quốc Toản và Nguyễn Văn Trỗi.
Điều đáng nói, các cơ sở này đã từng bị cơ quan chức năng nhiều lần “tuýt còi” vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, thuê nhân công không ký hợp đồng lao động, không kiểm tra sức khỏe… Thế nhưng không hiểu vì sao, cứ đến hẹn lại lên, những nơi này lại tiếp tục hoạt động, tiếp tục tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, xem thường luật pháp, tính mạng người dân đến như vậy (?!).
Theo VTC News