Sáng ngồi lớp 9, chiều đi học bổ túc lớp 3
Được biết, thời gian qua, báo chí đã từng phát hiện rất nhiều trường hợp học sinh được lên lớp nhờ vào căn bệnh thành tích của trường, giáo viên. Vào đầu tháng 3/2013, sau kỳ thi kiểm tra học kỳ 1, huyện An Lão - Bình Định phát hiện có 78 HS tiểu học, THCS mất căn bản về kiến thức. Trong đó có 66 HS các lớp 8, 9 chưa thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia; 12 HS lớp 3 chưa biết đánh vần.
Nói về vấn đề này, cán bộ giáo dục của huyện An Lão thừa nhận rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do nhà trường và phụ huynh chưa phối hợp chặt chẽ, nhiều trường còn chạy theo thành tích, ngại cho học sinh lưu ban, sợ học sinh bỏ học ảnh hưởng đến kết quả thi đua của giáo viên, của trường… Thậm chí, những học sinh "ngồi nhầm lớp" này buổi sáng học chương trình lớp 3, 4, buổi trưa học kiến thức lớp 8, còn ngày hôm sau học đánh vần…
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Trước đây, đã nhiều lần người dân trên cả nước phẫn nộ về cách đào tạo của một trường cấp hai ở Bình Định. Khi đó, một học sinh ngồi ở lớp 7 nhưng không biết đọc, biết viết. Những kiến thức sau 7 năm cắp sách đến trường thẩm thấu vào trong bộ nhớ của em chỉ là cách "vẽ" tên mình và tên bố mẹ. Khi trao đổi với PV, em học sinh này thừa nhận mình đã không biết đọc, viết chữ từ hồi vào lớp 1. Hàng ngày, khi lên lớp, thấy thầy cô và bạn bè viết chữ trên bảng, ở dưới em chỉ "vẽ" theo cho giống. Đến kỳ thi, học sinh này nhìn sang bài của bạn, chép tất cả những gì mà mình thấy. Dù mù chữ "toàn tập" những học sinh này vẫn điềm nhiên lên lớp 7 mà không có bất cứ sự can thiệp nào của nhà trường.
Hiện nay vẫn còn tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp (ảnh minh họa)
Mới đây nhất, vụ một học sinh lớp 9 sau hàng chục phút cắm đầu giải không xong một bài toán cấp tiểu học ở trường dường như là giọt nước tràn ly khiến dư luận "dậy sóng". Được biết, học sinh này từng đạt danh hiệu tiên tiến năm lớp 8 và đã học gần xong chương trình lớp 9, nhưng sau gần 20 phút căng thẳng, cậu ta đã đưa ra 4 kết quả khác nhau cho phép tính 1.025/35=27; 29,34; 272; 27,4. Sau khi gãi đầu gãi tai, cậu "đầu hàng" thừa nhận phép tính đã "ngoài khả năng" của mình.
Đến giờ phút này, em học sinh này đã nghỉ học. Tuy nhiên, cậu ta thôi việc "phiêu lưu" cùng con chữ không phải vì không theo được chương trình mà vì gia đình không đủ điều kiện cho học lên cấp ba. Nghĩa là, với kiến thức như vậy, học sinh này chắc chắn mình vẫn vượt qua kỳ thi chuyển cấp một cách "ngon lành". Qua những sự việc trên, nhiều người lo lắng đặt câu hỏi, với cách đào tạo như vậy, những sản phẩm này sau khi rời ghế nhà trường sẽ giúp ích được gì cho xã hội?
“Cái đầu rỗng” và "bệnh thành tích"
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về thực trạng đáng buồn này, nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra rất bức xúc. Họ cho rằng, nếu không xử lý triệt để, con "virus" này sẽ ngày một lan rộng và gây ra những tác động tiêu cực đến giáo dục trong nước. Nói về vấn đề này, thầy Trương Nhật Vinh, cán bộ giảng dạy khoa Ngôn ngữ học (trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho biết: "Thời gian qua tôi đã được biết thực trạng "ngồi nhầm lớp" ở các trường cấp 1, cấp 2 qua các phương tiện thông tin đại chúng. Có lẽ, dù nhà trường, các thầy cô giáo có "bao biện" với lý do gì đi chăng nữa thì đây là những sự việc không thể chấp nhận được. Không ai có thể tưởng tượng được có học sinh sáng ngồi ở lớp 9, chiều đi học đánh vần. Với cách đào tạo ấy, với căn bệnh thành tích ấy thử hỏi những sản phẩm giáo dục kia ra trường sẽ giúp ích được gì cho xã hội. Các thầy cô, nhà trường vì thành tích mà đẩy học sinh "ngồi nhầm lớp" vừa có lỗi với các em, vừa không xứng đáng làm công việc gõ đầu trẻ. Hơn nữa, họ còn mang tội với giáo dục nước nhà".
Cũng theo thầy Trương Nhật Vinh, những sự việc trên đa số xảy ra ở các huyện miền núi. Ở đây, các học sinh đi học cao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, những em này sẽ được đào tạo để trở thành cán bộ ở xã, huyện. "Với cái "đầu rỗng" và nhiễm nặng nề căn bệnh thành tích tôi tự hỏi những cán bộ như thế sẽ làm gì để giúp quê hương mình phát triển. Hơn nữa, ai dám chắc rằng những người này có tiếp tục vì căn bệnh thành tích mà sẽ cho ra đời những sản phẩm giáo dục giống mình ngày xưa. Đây là một điều cực kỳ tồi tệ và đáng buồn", thầy Vinh bức xúc.
Cùng trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định: "Sự việc trên rõ ràng là một vấn nạn trong giáo dục hiện nay. Nó không chỉ xảy ra ở những địa phương vùng sâu vùng xa mà ở thành phố lớn cũng có tình trạng trên. Thực trạng tiêu cực này đang là một mối nguy hại cho nền giáo dục. Đối với học sinh, việc "ngồi nhầm lớp" là sự hổ thẹn với bạn bè, gia đình, là căn bệnh đang ủ. Chúng sẽ phải trả giá khi ra trường. Còn đối với giáo viên, nhà trường, việc họ nhắm mắt cho học sinh kia lên lớp khi không có kiến thức chỉ vì muốn danh hiệu thi đua, muốn khen thưởng đồng nghĩa với việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp. "Tôi khuyên những người đã, đang có ý định lợi dụng học sinh để chạy đua thành tích hãy ra khỏi ngành giáo dục. Bởi, với việc làm đó, một phần họ đang bôi nhọ ngành "gõ đầu trẻ", GS. Nguyễn Minh Hạc chia sẻ.
Tiếng mẹ đẻ chưa sõi đã "được" học ngoại ngữ Trao đổi với PV, giảng viên Mai Thanh Tuyền (ĐHSP Hà Nội) bày tỏ: “Khi đọc được thông tin trên, tôi cảm thấy rất sửng sốt về nhận thức của một bộ phận giáo viên và nhà trường hiện nay. Vì lợi ích của bản thân, họ đang hại biết bao nhiêu tương lai của đất nước. Tôi biết rằng, có sự việc trên là do bàn tay của giáo viên, nhà trường sắp đặt. Họ đáng bị lên án và ra khỏi ngành giáo dục. Hai năm trước, tôi cũng từng dẫn đoàn sinh viên thực tập đi đến một số huyện của vùng Tây Bắc. Đến đây, chứng kiến những đứa trẻ lớp 6, 7 đang bập bẹ đánh vần từng con chữ khiến tôi cảm thấy đau lòng. Khi tôi hỏi thì các giáo viên nói rằng đó là những học sinh cá biệt. Tuy nhiên, tôi hỏi rằng tại sao vẫn cho học sinh đó lên lớp thì các cô giáo thừa nhận rằng để giữ thi đua cho cả lớp. Thậm chí, ở nhiều nơi, các học sinh dân tộc thiểu số chưa đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ đã "được" nhà trường dạy tiếng Anh. Đây là những việc không ai có thể chấp nhận được”. |
Vương Chân