Ở Tứ Xuyên, Trung Quốc có một ngôi mộ mà người dân địa phương gọi là "huyết mộ", nghĩa là ngôi mộ máu. Chủ nhân của ngôi mộ chính là mưu sĩ Bàng Thống nổi tiếng thời Tam quốc, trong lịch sử Trung Quốc
Bàng Thống (178-214), tự Sĩ Nguyên, hiệu Phượng Sồ, là mưu sĩ của Lưu Bị. Tài năng của ông được người đời ca tụng là ngang với cả Gia Cát Lượng. Ông là người góp công lớn trong việc giúp Lưu Bị chiếm đoạt Ích Châu của Lưu Chương.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Bàng Thống được La Quán Trung mô tả là một người có tướng mạo xấu xí. Tư Mã Huy kể về Bàng Thống như sau: "Nếu được một trong 2 người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phụng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ".
Lúc đầu, Bàng Thống theo Tôn Quyền. Sau này nhân lúc Chu Du qua đời, Gia Cát Lượng đã sang Đông Ngô khóc tang Chu Du xong, ông đã gặp được Bàng Thống và trao cho Bàng Thống một phong thư, mong muốn ông nếu ở đây không được trọng dụng hãy về với Lưu Hoàng Thúc (Lưu Bị). Quả nhiên, Tôn Quyền vốn là người cẩn thận, thấy Bàng Thống xốc nổi, ngoại hình xấu xí, thì không ưng, nên Thống mới từ biệt Giang Đông để về với Lưu Bị, đúng ý nguyện của Gia Cát Lượng.
Sau này, Bàng Thống được Lưu Bị cảm khái tài năng nên phong ông làm Thị trung tòng sự. Ít lâu sau, ông được phong làm Quân sư trung lang tướng, ngang hàng với Gia Cát Lượng. Quả thật, tài năng và trí tuệ của ông không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, khi Lưu Bị đem quân đánh vào Tây Xuyên, thấy ngựa của Bàng Thống già yếu quá, nên để thể hiện sự trọng dụng của mình với Bàng Thống, Lưu Bị đã đem ngựa yêu của mình tặng cho Bàng Thống. Ai ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng, vừa mới cưỡi lên Đích Lô (có bản dịch là Đích Lư) tại gò Lạc Phương, Bàng Thống đã bị bắn chết bởi quân mai phục của Trương Nhiệm. Ông đã hy sinh khi mới 36 tuổi. Bàng Thống là một nhân tài hiếm có trong tay Lưu Bị, đáng tiếc là ông chưa kịp cống hiến gì nhiều đã hy sinh.
Tương truyền rằng, Bàng Thống không chỉ chết trận mà còn chết rất thảm, bị vô số mũi tên đâm vào cơ thể, y phục dính đầy máu tươi. Giữa lúc loạn lạc, binh lính của ông chỉ đành chọn một chỗ gần đó để chôn cất chủ tướng.
Ở vào thời điểm hạ táng, bộ y phục đầy máu ấy cũng không được thay ra mà an táng cùng thi thể của mưu sĩ họ Bàng. Vì vậy ngôi mộ của ông được hậu thế lưu truyền với cái tên "huyết mộ".
Trộm mộ không xâm phạm
Thời cổ đại, những quan chức, quý tộc hay gia đình giàu có khi có người chết đều được chôn theo của cải. Vì vậy, mộ của những nhân vật có tiếng luôn là mục tiêu của những kẻ xấu.
Về lý, mưu sĩ này từng giữ chức quan lớn của nhà Thục Hán, nên mộ sẽ có những tài sản và cổ vật được chốt cất cùng và sẽ là mục tiêu của những kẻ trộm mộ.
Tuy nhiên, nơi an nghỉ của Bàng Thống lại được người dân địa phương đồn rằng "bất khả xâm phạm". Thậm chí có lúc không ai dám ngẩng mặt nhìn thẳng.
Nguyên nhân, ngôi mộ này không bị xâm phạm bởi trộm mộ, theo nhiều nhà nghiên cứu lý giải, mục tiêu của trộm mộ là của cải, mà nghe đồn trong mộ của Bàng Thống chỉ có y phục tẩm máu của ông như một lời cảnh báo đáng sợ chứ không hẳn có gia tài thì những tên trộm mộ cũng sẽ đặt ra nhiều nghi vấn liệu rằng có đáng bỏ công sức để làm liều hay không.
Một điểm khác của ngôi mộ Bàng Thống là nó có vị trí đặc biệt. Không như mộ của những danh nhân nổi tiếng cùng thời là ở nơi xa xôi hẻo lánh, hay ngụy tạo mộ giả để đánh lừa kẻ khác, mộ của ông cách không xa những ngôi làng có nhiều người sinh sống. Bất cứ hành động xâm phạm nào cũng dễ bị phát hiện, do đó dân địa phương sẽ báo với chính quyền rất nhanh chóng.
Một mục tiêu không rõ là có của cải, mang đậm yếu tố tâm linh và dễ bị phát giác thì thực sự khiến những kẻ trộm mộ chùn bước.
Thế nhưng chỉ khi được khai quật bởi các nhà khảo cổ, hậu thế mới ngỡ ngàng phát hiện ra rằng: Kỳ thực mộ của Bàng Thống vốn không như những giai thoại mà giới trộm mộ truyền tai nhau.
Bởi lẽ, trong ngôi mộ máu ấy vốn dĩ không chôn hài cốt mà chỉ có một bộ y phục. Hơn nữa, điểm khác xa với những lời truyền miệng còn nằm ở chỗ, mộ Bàng Thống có rất nhiều văn vật quý giá, mỗi món đều được bảo tồn hoàn hảo.
Theo suy đoán của các nhà khảo cổ, Bàng Thống năm xưa chết trận vì bị tên bắn, binh lính của ông căn bản không tìm được thi thể của chủ tướng trên chiến trường hỗn loạn. Vì vậy, họ đành lựa chọn phương thức chôn cất y phục để hạ táng, lưu lại một ngôi mộ máu khiến người đời sau "đoán già đoán non" suốt hàng nghìn năm qua.
Quốc Tiệp (t/h)