Tài sản giống như mưa nuôi dưỡng cuộc sống

Tài sản giống như mưa nuôi dưỡng cuộc sống

Chủ nhật, 27/10/2013 08:17

Của cải, tài sản là phần thưởng cho những ai biết tuân theo những nguyên tắc đạo đức đã được Đức Phật đề ra.

Sử dụng tài sản thế nào cho đúng?
    
Việc sử dụng tài sản đúng đắn có thể được làm rõ hơn khi so sánh với những gì mà Đức Phật tuyên dạy. Đối với một số vị, việc thỏa mãn dục lạc cá nhân là mục đích  quan trọng nhất trong việc tạo ra của cải và ngày nào còn sống thì họ cần sử dụng tất cả những phương tiện có thể để đạt được điều đó. Nếu dựa theo quan điểm đó, thì không việc gì người ta phải làm từ thiện cả.   
    
Đức Phật lại có quan điểm hoàn toàn khác. Đức Phật nhấn mạnh rằng tài sản mà người ta có được bằng những phương tiện chân chánh, cần được sử dụng để mang lại lợi ích cho người và cho bản thân:
      
Người cư sĩ đã tích lũy được tài sản lớn bằng nỗ lực, khả năng, tinh tấn, và quan tâm đến việc sử dụng đúng đắn tài sản đó để thỏa mãn nhu cầu bản thân và tự tại trong lòng. Khi sử dụng tài sản đó, người đó có được hạnh phúc trong cuộc đời. Đồng thời, người đó khiến cho cha mẹ, gia đình và những người làm cho mình cũng được hạnh phúc và thỏa mãn. 

Thiền++ - Tài sản giống như mưa nuôi dưỡng cuộc sống
Hình minh họa

Kế đến, vị đại phú ấy dùng tài sản của mình để giúp đỡ bạn bè và đồng sự.  Vị đại phú đó cũng dùng tài sản của mình để làm vừa lòng thân quyến và những người cần được giúp đỡ, để cúng kiếng các thân quyến đã qua đời, để làm tròn bổn phận công dân đối với chính phủ, và để thực hiện các nghi lễ.
      
Cuối cùng, vị đại phú đó cần sử dụng của cải của mình để cúng dường cho các vị tỳ kheo và bà-la-môn, những người đã dốc cả cuộc đời cho mục đích thanh tịnh bản thân và đạt được Giác Ngộ.
    
Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng sự nỗ lực của một người cần có ý nghĩa đối với bản thân, đối với những người cùng chung sống, và nói rộng hơn, là đối với cả xã hội. Việc “sử dụng tài sản một cách đúng đắn” thể hiện giáo lý căn bản này của Đức Phật.
    
Người không sử dụng của cải, tài sản của mình một cách hài hòa như thế sẽ không được Đức Phật chấp nhận.  Vua Kosala đã bạch với Đức Phật rằng ông đã vừa được sở hữu tài sản khổng lồ của một doanh nhân, người vừa qua đời mà không có con cái thừa tự. Chỉ riêng vàng của vị đó là vô cùng giá trị; nhưng bản thân vị đó, lúc nào cũng mặc áo vá, ăn gạo hẩm, sử dụng phương tiện xe cộ đơn sơ, và chẳng bao giờ sử dụng của cải của mình vì ích lợi của người khác.  Nghe chuyện, Đức Phật nói rằng người mà không sử dụng tài sản của mình để làm lợi ích cho bản thân và tha nhân, đã sống một cuộc đời vô nghĩa.
    
Trái lại, những người sử dụng tài sản, của cải của mình để làm lợi ích cho bản thân và người khác thì được Đức Phật tán thán. Giống như “mưa rào để nuôi dưỡng cuộc sống”, có được tài sản cá nhân lớn lao là để sử dụng, bảo dưỡng cho số đông người.
    
Tiêu chí của chúng ta trong việc tạo ra tài sản là để sử dụng chúng cho có ích. Người nào biết tuân giữ điều này, Đức Phật cho rằng người đó có quyền nỗ lực hết sức để được có thêm của cải.

Tài sản nên được chia làm mấy phần?
    
Tam Tạng Kinh (Pitaka Sutta) không cho ta chứng cứ gì về việc phải dành bao nhiều phần trăm tài sản để dùng cho bản thân, cho con cái và cho tha nhân. Tuy nhiên, Đức Phật đã khuyên ta cần chia tài sản của mình làm bốn phần bằng nhau: hai phần để kinh doanh, một phần để tiết kiệm, và phần còn lại là cho phí sinh hoạt. Đức Phật không khuyên ta dùng hết tài sản của mình vào việc tiêu xài và bố thí.  Ngài coi việc tiết kiệm là điều cần thiết vì “tiền tiết kiệm có thể được sử dụng trong trường hợp có tai nạn hay những điều bất trắc không ngờ trước xảy ra”.
    
Chỉ một trong bốn phần của tài sản là được khuyên nên sử dụng cho các chi phí cá nhân và bố thí. Nói cách khác, Đức Phật khuyên chúng ta chỉ nên dùng một phần tài sản để làm thỏa mãn bản thân và người khác, chứ không phải tất cả những gì ta có được.

Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh (theo Tỳ Kheo Tiến sĩ Basnagoda Rahula)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.