Vừa qua, dư luận xã hội không khỏi xót xa trước việc một học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) tự tử ngay tại trường vì áp lực điểm số từ phía cha mẹ. Sự việc này đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang. Sau đó, những nguyên tắc, quy định khắt khe từ phía nhà trường một lần nữa được nhắc đến. Vậy, làm sao để giảm tải áp lực học hành cho học sinh?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh câu chuyện này, bà Lê Thị Loan khẳng định, việc học từ xưa đến nay không phải nhẹ nhàng, thậm chí đó là hoạt động nặng nhọc với các con. “Để học, các em học sinh phải cố gắng cả tinh thần và thể lực. Chính vì thế, áp lực học tập trong con trẻ là điều rõ ràng”.
“Áp lực đó theo tôi đã có từ lâu, nó là ảnh hưởng của truyền thống hiếu học. Truyền thống này sẽ có mặt tích cực, giúp con người thi đua nhau học. Nhưng mặt tiêu cực làm cho con người phải gắng sức, gồng mình lên để thỏa mãn tinh thần đó. Đây là đặc điểm rất riêng của người Việt Nam cũng như người phương Đông”, bà Loan phân tích.
Đi sâu hơn nữa vào tâm lý xã hội, tâm lý mỗi gia đình, bà Loan nói: “Gần đây, trong xã hội xuất hiện cuộc chạy đua vào các trường lớn, từ cấp tiểu học đến đại học, càng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Đặc biệt là có tình trạng cấp học nhỏ, áp lực lại lớn hơn cấp học đại học. Nguyên nhân các bậc cha mẹ có tâm lý con mình phải hơn người khác, phải vào các trường tốt. Muốn vậy thì ngay từ cấp học nhỏ đã có áp lực”.
Theo bà Loan, để dẫn đến việc này, bộ GD&ĐT, nhà trường cũng có lỗi trong đó. “Chương trình học của bộ GD&ĐT đã ngày càng cải tiến để giảm áp lực, tuy nhiên có quá nhiều thay đổi trong thi cử làm cho việc học hành trở nên áp lực hơn. Còn tại các nhà trường, bệnh thành tích trong giáo dục vẫn luôn ăn sâu trong suy nghĩ của từng thầy cô. Các trường đang tham gia một cuộc thi đua ngầm với nhau, để tạo ra thương hiệu và hút thành tích về phía mình. Rồi từ đó, học sinh dần trở thành cái máy làm việc hết công sức”.
Theo bà Loan, để giải quyết tình trạng này, chính cha mẹ các em cần là những người tiên phong thay đổi. Cha mẹ không nên "bức tử" con mình bằng điểm số và đừng bao giờ so sánh con mình với con người khác. Bởi, bản thân mỗi đứa trẻ đã là món quà của tạo hóa ban cho chúng ta. Hãy để chúng được vui chơi và lớn lên theo đúng sở thích của lứa tuổi và đừng tạo bất kỳ áp lực nào cho chúng.
“Xã hội cũng cần thay đổi quan niệm về thành công. Hiện, chúng ta cứ phải thành tích cao thì mới là thành công. Tuy nhiên, thành công lại là khi mỗi cá nhân chúng ta phát huy tối đa năng khiếu, khả năng của mình. Các nhà tuyển dụng cũng cần bỏ tư duy bằng cấp khi lựa chọn nhân sự. Tôi nghĩ, chính các doanh nghiệp sẽ là một phần không thể thiếu trong việc giảm áp lực học tập cho con trẻ”, bà Loan phân tích.
Cuối cùng, nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục (học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng: “Ngành Giáo dục cần loại bỏ căn bệnh thành tích. Theo đó, cần phải lấy quá trình tiến bộ của học sinh để khen thưởng chứ không phải lấy kết quả học tập để đánh giá”.