Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của Thục Hán thời Tam quốc. Ông là người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt hàng chục năm.
Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Chính tác phẩm này đã đưa tên tuổi và tài năng của Gia Cát Lượng nổi tiếng khắp thế giới.
Có thể nói so với các công thần của nhà Thục Hán khác thì Gia Cát Lượng và Triệu Vân đã cùng nhau tác chiến hơn nửa đời người, cùng nhau trải qua rất nhiều vinh nhục, nên họ có thể trao đổi những lời thực lòng với nhau, điều mà những văn thần Thục Quốc khác khó mà dám làm.
Cũng bởi luôn canh cánh trong lòng giúp quân chủ làm nên đại nghiệp mà Gia Cát Lượng và Triệu Vân rất thân thiết với nhau. Bởi vậy mà khi Triệu Vân qua đời Gia Cát Lượng đã rất đau buồn và ray rứt.
Triệu Vân (tự Tử Long) là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục Hán, cả đời cúc cung tận tụy cho đại nghiệp của tập đoàn chính trị này. Cũng bởi vậy mà ở vào thời điểm hấp hối, di ngôn cuối cùng do Triệu Vân để lại vẫn là một lời canh cánh về nghiệp lớn chưa thành.
Theo đó, trong những năm tháng cuối đời, dường như ông biết trước thọ mệnh của mình chẳng còn dài nên đã từng nói với Thừa tướng Gia Cát Lượng:
"Thừa tướng, Tử Long già rồi, ước nguyện của Tiên đế, ta không còn cách nào tận lực, đại nghiệp phục hưng Hán thất chỉ có thể dựa cả vào một mình thừa tướng".
Vào thời điểm Triệu Vân qua đời, thái độ của Gia Cát Lượng ấy cũng đã nói lên cảm tình và sự coi trọng của ông dành cho nhân vật này. Tương truyền rằng khi vừa nhận được tin dữ, Gia Cát Lượng đã không khỏi đau buồn mà than: "Tử Long lâm bệnh qua đời, thật chẳng khác nào chặt đi một cánh tay của ta".
Chưa dừng lại ở đó, có giai thoại còn truyền lại rằng trước khi Triệu Vân qua đời, ông luôn miệng lẩm bẩm một câu:"Bắc phạt! Bắc phạt!", điều đó khiến cho Gia Cát Lượng cảm thấy rất hổ thẹn. "Bắc phạt" không chỉ là một đại sự mà Triệu Vân dành nửa đời người theo đuổi, mà nó cũng là ước vọng của rất nhiều lão thần nhà Thục Hán. Mỗi khi nghĩ về câu nói đó, Gia Cát Lượng không ngừng rơi lệ, chỉ có thể thở dài đau xót vì mất đi một danh tướng bên cạnh.
Tuy nhiên, khác với Gia Cát Lương, Hoàng đế Thục Hán Lưu Thiện khi hay tin cái chết của Triệu Vân đã có cách làm thực sự khiến người khác thất vọng. Đầu tiên Lưu Thiện mở lời ca tụng, thuật lại năm xưa Triệu Vân đã dũng mãnh cứu mình như thế nào và kết lại bằng bài ca khóc thương Triệu Vân.
Sau khi khóc xong, Lưu Thiện liền hỏi xung quanh xem dùng quy chuẩn gì để tổ chức tang lễ cho Triệu Vân, nên truy phong cho Triệu Vân như thế nào.
Hai việc này vốn là chuyện đương nhiên, vậy mà thân làm quân vương một nước như Lưu Thiên lại không biết phải quyết định ra sao.
Quốc Tiệp (t/h)