Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đưa ra quan điểm phê phán Tào Tháo nhưng cũng có những người không ngớt lời khen. Danh thần Đông Hán Kiều Huyền nói với Tào: “Thiên hạ sắp đại loạn, chỉ có bậc nhân tài kiệt xuất mới có thể đứng ra giải cứu thiên hạ. Lẽ nào người đó chính là các hạ?”.
Nhà phân tích thời Đông Hán, Hứa Thiệu cũng từng nhận định: “Tào Tháo là năng thần trị thiên hạ, là gian hùng thời loạn thế”.
Học giả hiện đại Dịch Trung Thiên nói, Tào Tháo “vừa thông minh tuyệt đỉnh, vừa ngu ngốc vô cùng; vừa gian trá giảo hoạt, vừa thẳng thắn trung thực; vừa khoáng đạt đại độ, vừa đa nghi; vừa khoan hồng đại lượng lại vừa hẹp hòi ích kỷ”.
Có thể nói, Tào Tháo vừa có phong phạm của bậc tuấn kiệt, có khí khái anh hùng, nhưng cũng không kém phần tiểu nhân, “tính khí Diêm Vương, tấm lòng Bồ Tát”.
Cuộc đời Tào Tháo không chỉ nổi bật trong lĩnh vực quân sự, chính trị, văn học mà ông còn là một cao thủ võ lâm thời Tam quốc.
Tào Tháo có hai thanh gươm báu, một thanh gọi là Ỷ Thiên và một thanh gọi là Thanh Công. Thanh Ỷ Thiên được Tào Tháo luôn đeo bên mình, còn thanh Thanh Công thì giao cho Hạ Hầu Ân giữ.
Thanh Công kiếm
Trong trận Trường Bản, Hạ Hầu Ân cậy mình có sức khoẻ, đi cách xa Tào Tháo, dẫn vài chục quân kỵ đi đầu để chực xông vào đám bách tính cướp giật, không ngờ gặp phải Triệu Vân. Triệu Vân xốc tới đánh luôn và chỉ sau một hiệp đấu, Hạ Hầu Ân đã bị Triệu Vân đâm chết, quân đi theo chạy tan cả. Triệu Vân đâm chết Hạ Hầu Ân rồi đoạt lấy thanh gươm xem, thấy có hai chữ Thanh Công, mạ vàng, biết là gươm báu, liền giắt vào mình, rồi xông vào vòng vây quân Tào.
Thanh kiếm Thanh Công sắc bén vô cùng, ở trong tay Hạ Hầu Ân chỉ là vật trang trí nhưng đến tay Triệu Vân lại trở thành vũ khí hủy diệt.
Triệu Vân mang A Đẩu, đánh xa dùng thương, đánh gần dùng kiếm giết quân địch máu chảy như suối.
Đánh đâu thắng đó không gì cản nổi, không ai có thể ngăn. Trong trận Đương Dương, Trường Bản, Triệu Vân đã cứu A Đẩu giữa hàng vạn quân Tào, lấy mạng hàng chục viên tướng, bởi vậy Thanh Công kiếm trở thành vũ khí lợi hại khiến cả thiên hạ ngưỡng mộ.
Ỷ Thiên kiếm
Nói tới Ỷ Thiên kiếm nhiều người sẽ liên tưởng tới bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Ỷ thiên đồ long ký của cố nhà văn Kim Dung. Trong tiểu thuyết cũng như trên phim ảnh, Ỷ Thiên kiếm được mô tả là thanh kiếm do Hoàng Dung và Quách Tĩnh rèn thành từ hai thanh bảo kiếm sắc bén là Quân Tử kiếm của Dương Quá và Thục Nữ kiếm của Tiểu Long Nữ, vì thế Ỷ Thiên kiếm là thanh kiếm sắc bén nhất trong thiên hạ, chỉ có Đồ Long đao mới có thể sánh ngang.
Trong thời Tương Dương đang hỗn loạn, Hoàng Dung thấy tình thế cấp bách nên đã viết ra một số môn võ công trong Cửu âm chân kinh theo cách luyện tốc hành để luyện nhanh chóng và bỏ vào cùng thanh Ỷ Thiên kiếm. Tương Dương sau này bị thất thủ, cả gia đình Quách Tĩnh đều tự vẫn, ngoại trừ Quách Tương lúc đó ở xa nên thoát nạn. Sau khi biết được chuyện đó, Quách Tương vì quá đau buồn nên đã bỏ đi tu trên núi Nga Mi. Ngay tại nơi này cô đã sáng lập ra phái Nga Mi và cũng là chủ sở hữu đầu tiên của Ỷ Thiên kiếm.
Trong Ỷ thiên Đồ long ký, thanh Ỷ Thiên kiếm thuộc sở hữu của phái Nga Mi, do Diệt Tuyệt sư thái nắm giữ. Do nhiều biến cố, Ỷ Thiên kiếm đã rơi vào tay Triệu Mẫn quận chúa, sau đó thì bị Chu Chỉ Nhược lấy cắp. Chính Chu Chỉ Nhược đã khám phá ra bí mật trong Ỷ Thiên kiếm lẫn Đồ Long đao, tìm ra bí kíp Cửu Âm chân kinh rồi tu luyện theo. Ỷ Thiên kiếm vì thế bị gãy làm đôi, sau này đệ tử Minh giáo vì căm hận thanh kiếm này nên đã bỏ đi không rèn lại, và Ỷ Thiên kiếm hoàn toàn biến mất trên giang hồ.
Nhưng ít ai biết rằng trong lịch sử Ỷ Thiên kiếm đã có từ thời cổ. Thanh kiếm Tào Tháo dùng trong thời Tam quốc cũng có tên là Ỷ Thiên, tương truyền được đặt tên theo một câu phú nổi tiếng của Tống Ngọc, Ỷ Thiên kiếm vô cùng sắc bén, sau được dùng để gọi những thanh bảo kiếm, ngay cả thi tiên Lý Bạch cũng vô cùng ngưỡng mộ nó.
Video: Triệu Tử Long đoạt Thanh Công kiếm, cứu ấu chúa.
Quốc Tiệp