Gia Cát Lượng là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của Trung Quốc, ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Trong đời cầm quân của mình, Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Trọng Đạt, hoả thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn…
Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: Trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao…
Sinh thời, ông là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục Hán, địa vị có thể ví như "dưới một người, trên vạn người". Tuy nhiên, trước khi trở thành Thừa tướng của nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng từng có tuổi thơ không mấy được may mắn, khi phải sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nếu không có sự cưu mạng của Gia Cát Huyền thì không biết cuộc đời của ông sẽ đi về đâu.
Gia Cát Huyền (?-197) là người ở huyện Dương Đô, quận Lang Gia (thuộc Từ Châu), là hậu duệ của quan Tư Lệ hiệu úy nhà Hán là Gia Cát Phong, dòng dõi của tướng Cát Anh thời Tần mạt - người có công giúp Trần Thắng khởi binh chống nhà Tần. Anh ông là Gia Cát Khuê làm tới chức quận thừa ở Thái Sơn.
Do Gia Cát Khuê mất sớm, Gia Cát Huyền cưu mang 2 cháu còn nhỏ (con của Khuê) là Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân. Theo Tam quốc chí, ông phục vụ dưới trướng quân phiệt Viên Thuật còn Hán Tấn xuân thu lại cho rằng ông phục vụ dưới quyền quân phiệt Lưu Biểu.
Năm 193, Thứ sử Dương Châu do nhà Hán bổ nhiệm là Trần Ôn mất. Tại quận Dự Chương thuộc Dương Châu, Thái thú Chu Thuật do nhà Hán bổ nhiệm cũng qua đời. Viên Thuật bị Tào Tháo đánh bại, mang quân vào Dương Châu, tranh chấp nơi này với Viên Thiệu, đánh bại tướng của Viên Thiệu là Viên Di, bổ nhiệm thủ hạ Huệ Cù làm Thứ sử Dương Châu và cử Gia Cát Huyền làm Thái thú Dự Chương. Sau đó, Gia Cát Huyền tới Dự Chương nhậm chức, đóng trị sở ở huyện Nam Xương, mang theo 2 cháu Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân.
Năm 194, triều đình Trường An do quyền thần Lý Thôi chi phối không chấp nhận Viên Thuật, bèn bổ nhiệm Lưu Do làm thứ sử Dương Châu và Chu Hạo làm Thái thú Dự Chương. Chu Hạo theo thứ sử Dương Châu là Lưu Do mượn binh đánh Gia Cát Huyền. Gia Cát Huyền thua trận, Chu Hạo chiếm được Nam Xương.
Gia Cát Huyền bỏ chạy về Tây Thành. Viên Thuật và Lưu Do cùng nhau giành giật Dương châu. Năm 196, Lưu Do bị tướng của Viên Thuật là Tôn Sách đánh bại, phải chạy về Dự Chương nương nhờ thái thú Hoa Hâm.
Quãng đời sau của Gia Cát Huyền được sử sách ghi khác nhau. Theo Tam quốc chí, sau khi thất bại ở Dự Chương, ông mang theo gia quyến tới Tương Dương nương nhờ Lưu Biểu rồi mất không lâu sau đó. Theo Hán Tấn Xuân thu, tháng 1 năm Kiến An thứ hai (197), dân ở Tây thành làm phản chống lại Gia Cát Huyền, giết chết ông và gửi đầu đến chỗ Lưu Do.
Sau khi Gia Cát Huyền mất, Gia Cát Lượng đến ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, chỗ ở có trái núi Ngọa Long cương, nhân thế tự gọi là Ngọa Long tiên sinh, thích làm ca từ theo khúc Lương Phủ Ngâm. Gia Cát Lượng tự mình cày ruộng và luôn tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Sử sách ghi lại, Gia Cát Lượng khi xưa dù ẩn cư ở vùng Long Trung nhưng lại thường xuyên giao thiệp với các danh sĩ địa phương, danh tiếng từ sớm đã vang xa. Đó cũng là một trong những lý do khiến danh sĩ nổi danh ở Kinh Châu là Tư Mã Huy quyết định tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, khi được Gia Cát Lượng nói kế sách định quốc an bang, Lưu Bị vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức bước vào vũ đài chính trị.
Quốc Tiệp (t/h)