Vào giai đoạn thiên hạ đại loạn, chư hầu tranh bá như thời Tam quốc, không ít các vị quân chủ của những thế lực chư hầu đều thu nhận con nuôi. Mặc dù mục đích của việc thu nạp con nuôi của mỗi người không giống nhau, nhưng phần đông những nghĩa tử này đều có năng lực vượt trội, tài năng xuất chúng.
Tào Chân - Con nuôi của Tào Tháo
Tào Chân (? – 231), biểu tự Tử Đan, là một vị tướng của tập đoàn Tào Ngụy vào thời Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông là cha của Tào Sảng – một đại thần dưới thời Ngụy Phế Đế Tào Phương.
Sinh thời, Tào Chân được biết tới là con nuôi của Tào Tháo. Khi bắt đầu trưởng thành, Tào Chân đã nhiều lần theo Tào Tháo đi săn. Cũng trong những cuộc săn bắn ấy, tài năng võ thuật xuất chúng của nhân vật này dần được bộc lộ.
Có giai thoại truyền lại rằng, trong một lần săn thú, Tào Chân bất ngờ bị cọp tấn công. Trong tình thế nguy cấp, ông đã hạ gục con thú dữ chỉ bằng một mũi tên.
Tận mắt chứng kiến tài năng hơn người của con nuôi, Tào Tháo âm thầm tán thưởng trong lòng. Cũng nhờ lần ấy, Tào Chân sau này được bổ nhiệm làm thống lĩnh của đội Hổ Báo kỵ - đội quân tập hợp toàn những tinh binh khét tiếng dưới trướng Tào Tháo.
Vừa có thực tài lại vừa được cha nuôi trọng dụng, những thành tựu quân sự của Tào Chân được đánh giá là vô cùng to lớn. Trong suốt nhiều năm chinh chiến, ông đã được thăng chức lên làm Trấn Tây tướng quân.
Tài năng vượt trội của ông có thể so sánh với số ít những đại tướng nổi danh thời bấy giờ. Mỗi khi đương đầu với địch trên chiến trường, có rất ít đối thủ có thể làm khó vị tướng họ Tào này.
Trong chiến dịch đại phá và bình định Khương Hồ, chiến công của Tào Chân càng thêm lừng lẫy. Sau khi đại thắng trở về, ông được Tào Phi bổ nhiệm làm Trung Quân Đại tướng quân.
Từ đó có thể thấy, thái độ của Tào Phi đối với người anh em không cùng dòng máu này còn tốt hơn nhiều so với những huynh đệ ruột thịt khác.
Trước lúc qua đời, Ngụy Văn Đế Tào Phi đã để lại di chiếu lệnh cho Tào Chân được quyền phụ chính. Lời phó thác này cũng đã chứng minh sự tín nhiệm gần như tuyệt đối mà vị Hoàng đế ấy dành cho người con nuôi của cha mình.
Sau khi Tân đế lên ngôi, Tào Chân một lần nữa được phong làm Đại tướng quân, tước Thiệu Lăng hầu.
Năm 228, Thừa tướng Thục Hán là Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt, Tào Chân nhận thấy Gia Cát Lượng sẽ tấn công Trần Thương, lệnh tướng Hác Chiêu trấn thủ, quả nhiên Gia Cát Lượng đánh Trần Thương và bị bại, không thể làm gì ngoài thoái binh. Sau trận này, Tào Chân được tấn phong Đại tư mã, quyền uy tối thượng.
Tháng 4 năm 231, Đại tư mã Tào Chân qua đời, thụy là Nguyên hầu.
Thông qua những minh chứng lịch sử này, có thể thấy rõ Tào Chân không hề yếu đuối như hình tượng trong Tam quốc diễn nghĩa.
La Quán Trung mô tả Tào Chân khi tham gia chiến dịch Bắc phạt, Tào Chân thường bị những kế sách xuất thần của Gia Cát Lượng làm khó, từ đó quân Ngụy bị đẩy vào thế hạ phong.
Thậm chí, cuốn tiểu thuyết này còn xây dựng cho Tào Chân một cái kết không mấy tốt đẹp: Ông chết uất ức vì lá thư của Gia Cát Lượng gửi tới nhục mạ.
Lưu Phong – Con nuôi của Lưu Bị
Lưu Phong (?-220) là tướng nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con nuôi Lưu Bị (hoàng đế sáng lập nước Thục Hán).
Lưu Phong vốn có tên là Khấu Phong, mẹ ông họ Lưu, dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, em gái Lưu Bật, quan trấn thủ Phàn Thành, người quận Trường Sa.
Năm 200, Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Từ Châu bị lạc hết vợ con, chạy về phía nam theo Lưu Biểu. Khi Lưu Bị được Từ Thứ giúp đánh bại quân đội của Tào Nhân, lúc ấy Khấu Phong khoảng hơn 10 tuổi. Lưu Bị gặp Khấu Phong tỏ ra quý mến và nhận ông làm con nuôi. Từ đó ông mang tên là Lưu Phong.
Lưu Phong lớn lên có sức khỏe, học võ nghệ. Năm 214, ông theo Trương Phi, Triệu Vân vào Ích Châu giúp Lưu Bị đánh Lưu Chương. Do tham gia chiến trận có công, Lưu Phong được phong làm Phó quân trung lang tướng.
Sau đó, Lưu Phong theo lệnh Lưu Bị mang quân từ Hán Trung men theo sông Hán Thủy thuận dòng đến quận Thượng Dung hội binh với Mạnh Đạt cùng đánh Thái thú Thân Đam của Lưu Chương. Lưu Phong được giao làm tổng chỉ huy. Thân Đam đầu hàng, Lưu Phong được Lưu Bị phong làm Phó quân tướng quân, trấn thủ quận Phòng Lăng (mới đặt thuộc Kinh Châu, giáp Ích Châu).
Năm 219, sau khi Quan Vũ thất thế trước Tôn Quyền, đã yêu cầu thêm viện binh, tuy nhiên hai tướng Thục Hán trú đóng ở gần ông khi đó là Mạnh Đạt và Lưu Phong đều án binh bất động.
Tháng Chạp năm 219, Tôn Quyền sai người dụ hàng Quan Vũ. Quan Vũ giả vờ đầu hàng, nhưng lại dẫn 10 kỵ quân chạy tới Lâm Thư nằm ở tây bắc Tương Dương thì bị tướng Ngô là Chu Nhiên và Phan Chương bắt mang về. Từ đó Đông Ngô khống chế toàn bộ phía nam sông Trường Giang, gồm Kinh Châu và Dương Châu.
Cuối cùng tới năm 220, Tôn Quyền giết chết Quan Vũ, sai người mang đầu ông đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo hậu táng cho Quan Vũ, lại phong Tôn Quyền làm Phiêu kị tướng quân, Kinh châu mục, tước Nam Xương hầu, nhằm làm Lưu Bị thù hận Tôn Quyền.
Sau cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị đã vô cùng oán hận con nuôi Lưu Phong và tướng Mạnh Đạt ở Phòng Lăng đã không đáp ứng yêu cầu xuất quân trợ chiến của Quan Vũ khiến Quan Vũ phải đơn độc chiến đấu với quân Tào rồi đến quân Ngô nên ra lệnh triệu tập 2 người.
Khoảng cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 năm 220, Mạnh Đạt sợ hãi quay đầu hàng Tào, anh em Thân Đam, Thân Nghi ở Tây Thành và Thượng Dung cũng hàng Tào.
Cùng lúc ở Lạc Dương, Tào Tháo qua đời, Tào Phi lên nối ngôi Ngụy vương, tiếp nhận sự đầu hàng của Mạnh Đạt và Thân Đam.
Lưu Phong ở Phòng Lăng không theo 2 người hàng Tào, bị Thân Đam và Từ Hoảng theo lệnh Tào Phi mang quân tới đánh. Lưu Phong thua trận bỏ chạy về Thành Đô, Lưu Bị lập tức sai người bắt giữ. Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị nên giết Lưu Phong, Lưu Bị nghe theo và mang Lưu Phong ra xử tử.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, chân dung Lưu Phong được mô tả gần sát với sử sách. Ông xuất hiện từ hồi 36 được Lưu Bị nhận làm con nuôi đến hồi 79 thì bị Lưu Bị xử tử.
Quốc Tiệp (t/h)