Tam quốc diễn nghĩa: Hai vị cao nhân Gia Cát Lượng luôn thần tượng lợi hại tới đâu

Tam quốc diễn nghĩa: Hai vị cao nhân Gia Cát Lượng luôn thần tượng lợi hại tới đâu

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 7, 14/03/2020 08:27

Lúc sinh thời Gia Cát Lượng thường xuyên so sánh bản thân mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Hai vị tiền nhân này là những công thần và tướng giỏi của thời Xuân Thu và Chiến Quốc.

Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Hai vị cao nhân Gia Cát Lượng luôn thần tượng lợi hại tới đâu

Tạo hình Gia Cát Lượng trên phim.

Sử sách ghi lại, Gia Cát Lượng khi xưa dù ẩn cư ở vùng Long Trung nhưng lại thường xuyên giao thiệp với các danh sĩ địa phương, danh tiếng từ sớm đã vang xa. Đó cũng là một trong những lý do khiến danh sĩ nổi danh ở Kinh Châu là Tư Mã Huy quyết định tiến cử Khổng Minh cho Lưu Bị.

Việc Gia Cát Lượng kết giao với các danh sĩ trong vùng không chỉ chứng minh ông là người có mạng lưới giao thiệp rộng rãi mà còn gián tiếp chỉ ra khao khát khẳng định bản thân, tạo dựng thành tựu của nhân tài hiếm có này.

Bên cạnh đó, sử sách cũng có ghi lại chi tiết: Gia Cát Lượng lúc sinh thời thường xuyên so sánh bản thân mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Người đương thời chẳng mấy ai tin, nhưng vài người như Thôi Châu Bình và Từ Thứ có giao du với ông thì tin ông có tài như vậy.

Năm xưa, Quản Trọng từng là công thần có công phò tá Tề Hoàn Công chín lần họp chư hầu và trở thành bá chủ, có thể ví như anh hùng cứu giúp thiên hạ.

Quản Trọng họ Cơ, tộc Quản, tên thực Di Ngô, tự là Trọng, thụy hiệu là Kính, đương thời hay gọi Quản Tử, là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu.

Ông được Bào Thúc Nha tiến cử, Tề Hoàn công phong ông làm Tể tướng. Ông nổi tiếng với chiến lược không đánh mà thắng mà người Trung Hoa gọi là Diễn biến hòa bình, đó là tấn công bằng mưu trí, trừng phạt và dùng kinh tế để giáo huấn.

Quản Trọng đã cải thiện sức mạnh nước Tề thông qua việc tiến hành rất nhiều cải cách. Về mặt chính trị, ông tập trung hóa quyền lực và phân chia nước thành nhiều làng, mỗi làng tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng. Thay vì dựa vào giai cấp quý tộc để thu thuế như truyền thống trước kia, ông áp dụng tiền thuế trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã. Ông cũng phát triển một biện pháp lựa chọn người tài mới và có hiệu quả hơn. Dưới thời Quản Trọng, nước Tề chuyển từ chế độ quan liêu quý tộc sang chế độ quan liêu chuyên nghiệp. Quản Trọng cũng đề xuất nhiều cải cách kinh tế quan trọng. Ông đưa ra một biểu thuế thống nhất. Ông cũng sử dụng nguồn lực nhà nước để khuyến khích sản xuất muối và sắt; các nhà sử học thường cho Quản Trọng là người đề xướng ra sự độc quyền nhà nước về hai mặt hàng này.

Khi ông làm Tể tướng, nước Tề trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn công được tôn làm đứng đầu Ngũ bá.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Hai vị cao nhân Gia Cát Lượng luôn thần tượng lợi hại tới đâu (Hình 2).

Gia Cát Lượng lúc sinh thời thường xuyên so sánh bản thân mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị.

Còn Nhạc Nghị cũng là bậc nhân tài kiệt xuất, ông là tướng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là tướng các nước: Ngụy, Yên và Triệu nhưng nổi tiếng nhất thời làm tướng nước Yên đã gần như tiêu diệt nước Tề hùng mạnh láng giềng.

Theo Sử ký, Nhạc Nghị là người hiền, thích việc binh. Người nước Triệu rất quý trọng ông. Đến khi Vũ Linh Vương gặp nạn ở Sa Khâu, Nhạc Nghị bèn rời khỏi nước Triệu đến nước Ngụy.

Lúc đó nước Yên vì loạn Tử Chi, nên quân Tề đánh quân Yên thua to, nước Yên bị tàn phá nặng nề. Vua Yên mới là Chiêu Vương oán giận nước Tề, nuôi chí báo thù, nhưng Yên là nước nhỏ ở nơi xa xôi hẻo lánh, sức không đủ chống cự, cho nên nhà vua nhún mình, quý trọng kẻ sĩ. Nhạc Nghị muốn sang Yên để được trọng dụng, bèn xin làm sứ giả cho Ngụy Chiêu Vương sang nước Yên. Vua Yên phong ông làm Á khanh.

Lúc bấy giờ Tề Mẫn Vương mạnh nhưng tàn bạo, kết oán với nhiều nước chư hầu. Yên Chiêu Vương hỏi về việc đánh Tề để báo thù, Nhạc Nghị thưa:

“Nước Tề kế thừa cơ nghiệp để lại của một nước đã làm bá, đất rộng, người đông, khó lòng một mình đánh được. Nếu nhà vua quả thực muốn đánh Tề thì không gì bằng liên minh với Triệu, Sở và Ngụy”.

Yên Chiêu Vương bèn sai Nhạc Nghị giao ước với Huệ Văn Vương nước Triệu. Lại sai những người khác đi liên kết với Sở, Ngụy và nhờ Triệu thuyết phục Tần về cái lợi trong việc đánh Tề. Chư hầu ghét Tề Mẫn Vương kiêu ngạo, tàn bạo, đều nhất trí hợp tung cùng nước Yên đánh Tề.

Nhạc Nghị quay về báo, Yên Chiêu Vương đem tất cả quân, sai Nhạc Nghị làm thượng tướng quân cùng với các nước đi đánh Tề. Vua Huệ Văn Vương nước Triệu trao ấn tướng quốc cho Nhạc Nghị.

Năm 285 TCN, Nhạc Nghị cầm đầu tất cả quân các nước Triệu, Sở, Hàn, Ngụy, Yên hợp nhất đánh bại quân tề ở Tế Tây. Quân chư hầu bãi binh rút về nhưng quân của Yên dưới quyền Nhạc Nghị vẫn một mình đuổi theo đến Lâm Tri.

Sau khi bị thua trận ở Tế Tây, Tề Mẫn Vương chạy vào thành Cử. Nhạc Nghị một mình ở lại đi khắp nước Tề. Các thành của Tề đều lo chống giữ. Nhạc Nghị đánh vào thành Lâm Tri lấy tất cả những đồ quý báu, của cải, đồ cúng tế của Tề, sai chở về Yên.

Yên Chiêu Vương cả mừng thân hành đến sông Tề để úy lạo, khao thưởng quân sĩ, phong cho Nhạc Nghị huyện Xương Quốc, hiệu là Xương Quốc Quân. Yên Chiêu Vương sau khi đã thu của cải lấy được của Tề thì quay về, sai Nhạc Nghị lại đem binh đánh lấy những thành của Tề chưa lấy được. Nhạc Nghị ở lại Tề trong năm năm, đánh lấy hơn bảy mươi thành của Tề, biến tất cả những thành này thành quận huyện nước Yên, chỉ còn thành Cử và Tức Mặc là chưa chịu hàng.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Hai vị cao nhân Gia Cát Lượng luôn thần tượng lợi hại tới đâu (Hình 3).

Gia Cát Lượng sau khi hạ sơn đã chứng tỏ được tài năng của mình, ông đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán.

Việc Gia Cát Lượng đem hai vị tiền nhân này làm thần tượng đã chỉ rõ hoài bão cũng như tài năng của ông. Quả vậy, sau khi hạ sơn, Gia Cát Lượng đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, những chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng bệnh mất trong doanh trại.

Hình tượng của Gia Cát Lượng được dân gian ca tụng qua những câu chuyện lưu truyền suốt cả nghìn năm, về sau được La Quán Trung tiểu thuyết hóa và càng trở nên nổi tiếng qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trong tác phẩm này, nhân vật Gia Cát Lượng được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn với tài năng "xuất quỷ nhập thần", là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh.

Quốc Tiệp (t/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.