Những người ưa thích Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đều nghe rất quen câu này của Lưu Bị: “Tại hạ Lưu Bị, hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng”. Thực tế, chẳng có ai muốn hỏi Lưu Bị là hậu duệ, con cháu của ai, vì vậy, cách nói đó của Lưu Bị quả thực rất thừa và vô duyên.
Tuy nhiên, đi đâu Lưu Bị cũng chỉ có một cách nói như vậy. Điều này chứng tỏ, đây là nhân vật không hề tầm thường, dù cho xuất thân nghèo khổ nhưng Lưu Bị là người ôm chí lớn, cũng nhờ danh dòng dõi Hán thất mà có thể chiêu hiền được nhiều nhân tài.
Ngoài ra trong lịch sử, việc Lưu Bị liên tục tự nhận mình là dòng dõi Hán thất như vậy, sử sách về sau cũng cứ như vậy mà ghi về Lưu Bị. Còn về chuyện có thực hay không thì chẳng có ai biết.
Trong Tam quốc diễn nghĩa có đoạn, Theo đó, sau khi nương nhờ Tào Tháo và được dẫn về Hứa Đô, Lưu Huyền Đức đã có cơ hội gặp Hán Hiến Đế.
Khi biết được ông là hậu duệ Hán thất, nhà vua đã rất vui mừng, cho người xét gia phả thì nhận ra vai vế của Lưu Bị thuộc vào hàng chú, từ đó liền kính cẩn gọi ông là Lưu Hoàng thúc.
Theo nhiều nguồn sử liệu, Lưu Bị có tên tự là Huyền Đức, người huyện Trác, quận Trác thuộc U châu. Ông là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng – người con thứ của Hán Cảnh Đế. Ông nội Lưu Bị là Lưu Hùng, được cử làm Hiếu liêm, làm huyện lệnh huyện Phạm thuộc Đông quận. Cha Lưu Bị là Lưu Hoằng mất sớm.
Tuy là người dòng dõi nhà Hán, nhưng do từ thời Hán Vũ Đế ban hành “thôi ân lệnh” nên đất phong của các quận vương ngày càng bị phân chia. Đến đời Lưu Bị, những người chi thứ của hoàng tộc ngày càng được hưởng ít tước lộc, gia đình ông chỉ là bần nông, chỉ còn lại danh nghĩa là con cháu hoàng thất.
Sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang viết vào thời Bắc Tống nêu ý kiến nghi ngờ về thân thế này của Lưu Bị:
Nhà Hán của Chiêu Liệt Đế (ý chỉ Lưu Bị), tuy nói là con cháu của Trung Sơn Tĩnh Vương, nhưng quan hệ quá xa, không thể ghi rõ thân thế danh vị, giống như Tống Vũ Đế xưng là con cháu của Sở Nguyên Vương, Nam Đường Liệt Tổ xưng là con cháu của Ngô Vương Khác, thật giả khó phân, nên không dám sánh với Quang Vũ Đế và Tấn Nguyên Đế, khiến cho nhà Hán này bị cho là di thống (không phải chính thống).
Trong Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, nói Lưu Bị lúc sinh ra, nhà nghèo và mồ côi cha sớm, ông phải cùng mẹ làm nghề bện giày cỏ, chiếu cỏ để kiếm sống. Do danh tiếng là người trong hoàng tộc, ông vẫn kết giao được với những người có danh vọng như Công Tôn Toản, Lưu Đức Nhiên, cùng họ nhận Lư Thực làm thầy.
Có thể nói, trong lịch sử và trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị được rất nhiều nhân vật có tiếng tăm thời bấy giờ xem trọng. Ngay cả việc Lưu Bị từng có thời gian nương nhờ nhiều thế lực và đổi chủ liên tục, nhưng chẳng những không mang điều tiếng bất nghĩa mà còn được hậu thế ngưỡng mộ.
Vì vậy nên theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc), Lưu Bị tuy gia cảnh bần hàn, nhưng gốc gác hoàng gia của ông là điều không thể nghi ngờ.
Hơn nữa người xưa không phải ai cũng dễ dàng bị lừa. Bởi vậy việc thân phận của Lưu Bị có được sự công nhận của người thời bấy giờ cũng đủ để chứng minh ông rất có thể là hậu duệ Hán thất.
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, Lưu Bị là một người không có gì đặc biệt: xuất thân bình dân, chỉ là một anh bán giày cỏ. So với những đối thủ của mình, Lưu Bị thua kém rất nhiều về địa vị, ông không bằng Viên Thiệu, ba đời làm tam công. Về mưu lược, quyền biến, ông chắc chắn thua Tào Tháo. Về võ bị, Lưu Bị cũng không sánh nổi Lữ Bố hay Đổng Trác. Nhưng nhờ thân phận hoàng tộc nhà Hán đã đem tới cho Lưu Bị không ít ưu thế trên phương diện chiêu hiền đãi sĩ, nhờ vậy mà ông dần dần gây dựng được thế lực riêng và trở thành chư hầu một phương, cùng với lòng nhân đạo, Lưu Bị xứng đáng với danh hiệu anh hùng, xứng đáng làm đế vương nhờ tấm lòng yêu thương bách tính, quảng đại, đức độ.
Kết quả là sau nửa đời lang bạt, Lưu Bị từ một người làm nghề đan giày dệt chiếu đã từ từ gây dựng thế lực, thậm chí sau này còn xưng đế ở Thành Đô, trở thành Hoàng đế khai quốc nhà Thục Hán.
Quốc Tiệp (t/h)