Sau khi trừ bỏ được những lo lắng trong nước thì những tộc người thiểu số ở tây nam nước Thục Hán nổi loạn, Gia Cát Lượng đã đem quân xuống phía nam để thu phục. Quân Thục với số đông áp đảo và quân đội chính quy nhanh chóng áp đảo, và không lâu sau đã bắt sống được Mạnh Hoạch, một thủ lĩnh có tiếng.
Nhận thấy uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Mạnh Hoạch ở vùng Nam Trung, phía nam của Thục Hán (ngày nay là Vân Nam, Trung Quốc), và vì muốn giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số vùng này với triều đình Thục Hán nên Gia Cát Lượng quyết định đánh vào lòng người, coi đó là chiến thuật chủ đạo. Gia Cát Lượng không thực hiện sự nghiêm khắc như trước, trái lại vận dụng một chính sách khoan dung "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử Trung Quốc.
Theo lời Mã Tốc, ông hạ lệnh khi đánh nhau với Mạnh Hoạch, quân Thục chỉ được phép bắt sống, không được giết chết hoặc làm họ bị thương. Mạnh Hoạch bị bắt rồi Gia Cát Lượng lại thả ra, cứ như vậy lặp đi lặp lại đến 7 lần. Nghệ thuật tác chiến chính trị, tâm lý của Gia Cát Lượng thể hiện rõ rệt trong chiến dịch này. Cuối cùng Mạnh Hoạch tâm phục khẩu phục, hoàn toàn chịu thần phục triều Thục Hán. Đến lần thứ 7, khi Gia Cát Lượng định thả Mạnh Hoạch thì Mạnh Hoạch không chịu về vì ông ta nhận thấy Gia Cát Lượng quả thật là con người phi thường và trong thâm tâm không có ý thù địch với mình. Mạnh Hoạch thành tâm nói với Gia Cát Lượng rằng: "Thiên uy của Thừa tướng như vậy thì người miền Nam không bao giờ làm phản nữa".
Sau khi Mạnh Hoạch chịu thần phục thì các thế lực phản loạn ở miền Nam cũng nhanh chóng lần lượt quy hàng. Mùa thu năm 225, ba cánh quân Đông, Tây và Trung hội quân ở Điền Trì (Vân Nam) ăn mừng thắng lợi của cuộc Nam tiến và giai thoại bảy lần bắt bảy lần thả được truyền tụng.
Nhưng ít biết rằng trong bảy lần bắt Mạnh Hoạch của Gia Cát Lượng nếu không nhận được sự giúp đỡ của Vạn An ẩn giả thì quân Thục Hán chưa chắc đã chinh phạt được vùng Nam Trung.
Cao nhân ẩn mình giúp Gia Cát Lượng thu phục vùng Nam Trung
Trong Tam quốc diễn nghĩa hồi thứ 89 của La Quán Trung, mô tả gia đình Mạnh Hoạch có ba anh em trai, Mạnh Hoạch người là thứ hai, là tay cự phách và làm Man Vương có thế lực nhất vùng Nam Trung, Mạnh Hoạch đã dẫn quân nổi loạn chống lại quân Thục ở phía Nam. Mạnh Ưu là em út, là người luôn ủng hộ và đoàn kết với Mạnh Hoạch trong cuộc chiến tranh với Thục. Mạnh Tiết là anh cả, vốn là người hâm mộ văn hóa Hán và bất mãn với Mạnh Hoạch vì không tuân vương hóa nên đã bỏ đi làm ẩn sĩ.
Mạnh Tiết được mô tả là người đội nón nan, đeo dép cỏ, áo bào trắng, dây lưng thâm, mắt biếc, tóc vàng, là ẩn sĩ sống ở khe núi Vạn An (từ con sông câm đi thẳng mé tây vài dặm, có một hang núi, vào trong hang đi hai mươi dặm nữa, đến một cái khe, gọi là khe Vạn An). Mạnh Tiết được giới thiệu là một cao sĩ, gọi là Vạn An ẩn giả và đã vài mươi năm nay, Mạnh Tiết không rời khỏi khe Vạn An (sống cùng với một tiểu đồng). Nơi Mạnh Tiết sống có thông to, bách cổ, trúc lạ, hoa thơm, rườm rà xung quanh một khu nhà, sau bức rào, có mấy gian nhà tranh, mùi hoa ngào ngạt. Đặc biệt là sau nhà Mạnh Tiết có một cái suối, gọi là suối An Lạc, ai trúng phải độc, uống nước suối ấy khỏi lập tức, hoặc người nào sinh ghẻ, nhiễm phải chướng khí, tắm nước suối ấy tự nhiên không việc gì. Trước nhà thì có một thứ cỏ gọi là giới diệp vân hương, ngậm lá cỏ ấy trong mồm, thì chướng khí không nhiễm vào được.
Khi quân Thục bị trúng độc do uống phải nước suối câm ở chỗ của Đóa Tư đại vương, có người chỉ điểm, Khổng Minh đem hương hoa lễ vật dẫn Vương Bình và những quân câm, theo lời thần chỉ, lần mò kéo đi, vào một hang núi, đi hai mươi dặm nữa, thì thấy căn nhà của Mạnh Tiết. Mạnh Tiết hớn hở chào hỏi và mời vào nhà chơi. Khổng Minh xin Mạnh Tiết rộng lượng cho ít nước thần, để cứu vớt cái sống thừa của ba quân.
Mạnh Tiết nói: "Lão phu là người quê kệch ở chốn núi rừng, thừa tướng lọ phải uổng công đến đây. Suối này ở ngay sau nhà, xin cứ việc ra mà uống" rồi sai tiểu đồng đưa Vương Bình và quân lính ra suối lấy nước. Uống xong, quân lính đều liền thổ ra dãi độc, rồi nói được ngay. Tiểu đồng lại đưa cả bọn đến khe Vạn An tắm táp.
Mạnh Tiết ở trong nhà pha chè hạt bách, thiết đãi Khổng Minh, và báo với Khổng Minh rằng ở xứ này lắm giống rắn dữ, rết độc, hoa liễu bay vào trong khe, nước không sao uống được, phải đào giếng mới xong. Ông còn dạy quân Thục ngậm lá giới diệp vân hương để tránh độc khí. Khổng Minh xin hỏi tên họ. Thì Mạnh Tiết báo tên và tự giới thiệu là anh ruột Mạnh Hoạch. Đồng thời tâm sự với Khổng Minh về gia đình của mình và cho biết "hai em tôi cứng đầu, cứng cổ, không tuân vương hóa. Tôi can bảo chúng nó không nghe, nên phải đổi tên, ẩn dật ở đây. Nay em tôi làm phản, để thừa tướng phải khó nhọc, đến xứ bất mao này, tội tôi thật đáng muốn chết nên xin thú tội với thừa tướng trước".
Khổng Minh đề nghị với Mạnh Tiết sẽ tâu với thiên tử cử ông này lên làm vua xứ Nam Man nhưng Mạnh Tiết từ chối vì ghét công danh, nên trốn ra đây, còn bụng nào tham phú qúy nữa. Khổng Minh bèn lấy vàng lụa ra tạ. Mạnh Tiết cố từ chối không chịu lấy. Khổng Minh cảm phục, từ biệt ra về.
Sau này có thơ khen rằng:
Thảnh thơi trong một túp lều tranh,
Suối mát, hoa thơm, cảnh cũng thanh,
Cổ thụ um tùm, người vắng ngắt,
Hãy còn khói biếc khóa non xanh.
Video: Khổng Minh thu phục Mạnh Hoạch.
Quốc Tiệp (tổng hợp)