Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung mô tả Triệu Vân là mãnh tướng muôn người không địch nổi, cả đời giao chiến với không ít người và giết cũng không ít. Năm 201, trong trận Nhữ Nam khi đánh nhau với quân Tào, ông giết chết Cao Lãm - một trong “Hà Bắc tứ trụ”, giao chiến 30 hợp đã đánh bại Trương Cáp.
Khi Lưu Bị mới đến Kinh Châu, Triệu Vân đã giết chết sơn tặc Trương Vũ, cướp ngựa Đích Lư dâng cho Lưu Bị. Năm 207, Triệu Vân giết chết Lã Khoáng, bộ tướng của Tào Nhân và đánh bại Lý Điển chỉ sau mười mấy hợp.
Năm 208, Tào Tháo đánh xuống phương Nam, truy đuổi Lưu Bị ở Đương Dương, Tràng Bản, Lưu Bị phải bỏ cả vợ con tháo chạy. Triệu Vân đã đơn thương độc mã vừa ôm ấu chúa A Đẩu (Lưu Thiện) vừa bảo vệ Cam Phu nhân phá vòng vây quân Tào, vì thế hai mẹ con A Đẩu mới sống sót. Sau trận này Triệu Vân được phong làm Nha Môn tướng quân. Tuy nhiên, để có thể lập nên một chiến tích vô tiền khoán hậu này một phần là do được Tào Tháo mến mộ.
Trong suốt cuộc đời mình, Tào Tháo là người luôn cầu khát và trọng dụng hiền tài. Ông đã thu phục được nhiều hào kiệt, cả văn lẫn võ, để làm người hỗ trợ đắc lực cho mình. Trong đó, Triệu Vân là một trong số những mãnh tướng của Lưu Bị khiến Tào Tháo thèm khát nhưng không có được.
Khi Tào Tháo tiến quân đến Tương Dương, lại nghe tin Lưu Bị đã đi Giang Lăng, sợ họ Lưu sẽ tranh mất nơi chứa lương thảo và vũ khí, nên ông vội lấy 5000 quân tinh nhuệ, sai em họ là Tào Thuần cùng hàng tướng Văn Sính chỉ huy cùng đi, cấp tốc đuổi theo.
Lưu Bị dẫn đám đông quân lẫn với dân, chạy loạn rất lộn xộn, không thành hàng ngũ, lại không thể đi nhanh dù biết Tào Tháo đang truy kích. Lưu Bị lo lắng phải bố trí lại lực lượng, sai Trương Phi mang 2000 quân mã chặn hậu, Triệu Vân dẫn vài trăm quân hộ vệ gia quyến, còn ông cùng Gia Cát Lượng dẫn quân chủ lực bảo vệ dân tị nạn.
Khi Lưu Bị đi tới Trường Bản thì quân Tào đuổi tới nơi, đụng độ với hậu đội của Lưu Bị do Trương Phi chỉ huy. Quân Tào mạnh mẽ đánh tan hậu đội của Trương Phi rồi tấn công vào quân chủ lực của Lưu Bị cùng dân chúng.
Quân Lưu Bị tuy đông hơn quân Tào, nhưng không thể tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề để nghênh chiến, bị Tào Tháo tấn công dữ dội, nên thua to. Lưu Bị thất bại nặng nề, cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Trương Phi và mấy chục khinh kỵ bỏ chạy thoát thân, bỏ lại toàn bộ quân trang nặng, gia quyến và dân chúng.
Lưu Bị lạc mất Triệu Vân, nhiều người nói Triệu Vân đã bỏ sang hàng Tào Tháo nhưng Lưu Bị một mực tin tưởng Triệu Vân trung thành với mình. Ông sai Trương Phi mang 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào. Trương Phi đợi Lưu Bị cùng những người đi kịp sang sông rồi đứng lên chặn ở đầu cầu Trường Bản.
Trong lúc đó Triệu Vân cầm cánh quân hộ tống gia quyến Lưu Bị cũng bị quân Tào đánh tan, bèn lệnh cho những người còn lại rút về nam theo Lưu Bị, còn một mình tự xông pha trận địa để tìm gia quyến Lưu Bị.
Triệu Vân xông pha trận mạc, cứu vợ con của Lưu Bị. Triệu Vân ôm con trai quân chủ, tả xung hữu đột, lao thẳng vào vòng vây quân Tào, giết chết vô số tướng địch.
Khi thấy Triệu Vân đơn thương độc mã cứu vợ con của Lưu Bị, Tào Tháo đã khâm phục lòng trung thành cũng như sức mạnh và dũng khí Triệu Vân, Tào Tháo ra lệnh quân sĩ không được bắn lén Triệu Vân mà tìm mọi cách bắt sống. Chính nhờ vậy mà Triệu Vân mới có thể vung thương giết 50 tướng, chém gãy hai lá cờ to, đoạt gươm Thanh Công của Tào Tháo, phá vòng vây, bảo vệ được Lưu Thiện. Sau có thơ khen ngợi Triệu Vân rằng:
Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng
Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng
Xưa nay cứu chúa xông trăm trận
Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long.
Thử hỏi nếu không có Tào Tháo ái mộ tài năng dũng mãnh của Triệu Vân, lệnh không được bắn tên, phải bắt sống, thì dù Triệu Vân dũng mãnh đến đâu, liệu một mình có thể thoát khỏi mũi tên ngọn giáo của hàng nghìn tướng sỹ quân Tào được không?
Triệu Vân (?-229), tự Tử Long, sinh tại huyện Chân Định thuộc quận Thường Sơn, nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc. Ông có ngoại hình hùng dũng, uy phong lẫm liệt, giỏi võ nghệ và có tài thao lược, được đánh giá là bậc hổ tướng trí dũng song toàn và là một trong số những nhân vật góp công không nhỏ vào sự thành lập của nhà Thục Hán.
Video: Triệu Vân cứu Ấu chúa.
Quốc Tiệp (t/h)