Dư luận vừa đón nhận một tin "giật gân": Bộ Tài chính quyết định tăng thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu (BVMT) lên kịch khung 4000 đồng/lít, để ... bảo vệ môi trường, và ... hội nhập giá xăng dầu thế giới!
Nghe qua thì có vẻ là tin mừng. Phen này môi trường Việt Nam hẳn là sạch vào hàng top thế giới.
Nhưng người dân "ngã ngửa" khi được biết thuế đánh xăng dầu để bảo vệ môi trường thì thu nhiều nhưng lại ... chi ít cho bảo vệ môi trường.
Theo số liệu của bộ Tài chính về tình hình thực hiện luật Thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần.
Cụ thể năm 2012, số thu từ thuế Bảo vệ môi trường là 11.160 tỷ đồng, đã tăng lên mức 42.393 tỷ đồng vào năm 2016, tương đương tăng 4 lần trong vòng 5 năm. Con số này có được là nhờ tăng thuế môi trường với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi giữa năm 2015.
Ngược lại, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách.
Như vậy, trong lúc thuế Bảo vệ môi trường thu 4 đồng thì khoản chi ra cho việc bảo vệ môi trường chỉ khoảng 1 đồng. Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả sử dụng số thu thuế trên có thực sự để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường?
(Theo VnExpress)
Dân tình xôn xao, người người thắc mắc: Vậy thì số tiền còn lại của tôi đi đâu?
Người ta lại tiếp tục được sửng sốt hơn khi nghe bộ Tài chính giải thích, khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,...
Vậy ra thuế BVMT lại là thứ thuế ... tổng hợp các loại thuế trên đời? Thuế BVMT là trên danh nghĩa, còn thực chất nó là thứ thuế ... thập cẩm?
Và quả thực, nếu bộ Tài chính đặt ra thêm những thứ thuế mới như vậy thì người dân sẽ không lọt lỗ tai, bởi chẳng ở đâu lại có nhiều loại thuế như vậy.
Thế nên, các loại "thuế" an ninh quốc phòng, "thuế" trật tự an toàn xã hội, "thuế" cải cách tiền lương,....đành phải được bộ Tài chính khoác lên chung một cái áo là thuế... bảo vệ môi trường.
Nhưng người dân thì muốn bộ Tài chính phải sòng phẳng, và tất nhiên yêu cầu sòng phẳng luôn là chính đáng. Thuế BVMT thì phải chi cho bảo vệ môi trường, nếu nó thực tế bao gồm để chi cả những khoản chi khác thì phải gọi nó là thuế tổng hợp, hay gọi theo cách dân dã là thuế ... thập cẩm.
Và tất nhiên, một mặt hàng xăng dầu mà lại bỗng dưng phải gánh thứ thuế tổng hợp của các loại thuế, thì quả là vô lý ngoài sức tưởng tượng.
Cái sự vô lý ngoài sức tưởng tượng này, đương nhiên gây phản cảm, bất bình trong nhân dân. Chẳng ai lại muốn khi mua xăng dầu thì lại ... tiện thể đóng luôn tổng hợp các loại thuế trên đời cả. Việc tính thuế như vậy có vẻ tùy tiện. Thuế là phải chính xác, đúng đối tượng, minh bạch, chứ không phải ...thu tiện thể, thu cái này bù cho cái kia, một mặt hàng gánh tổng các loại thuế được!
"Tiền thuế là của nhân dân, do nhân dân đóng góp để phục vụ cho lợi ích của nhân dân" cho nên bộ Tài chính phải tính thuế cho đúng bản chất như thế, làm sao để nhân dân muốn đóng thuế để phục vụ cho lợi ích của họ, chứ không phải để nhân dân hoang mang: "đồng tiền của tôi đi đâu"?
Chưa hết, đa số doanh nghiệp trong nền kinh tế đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng chính là xăng dầu. Nay ngành xăng dầu bị bộ Tài chính đánh thuế vô lý như vậy, trong khi máy móc lại chưa thể chạy bằng nước lã, không biết liệu bộ Tài chính có tính đến tương lai sức khỏe của nền kinh tế hay không?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Phạm Mạnh Hà