Ngày 2/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức chuyên đề kiểm tra, đánh giá trong dạy học bộ môn Ngữ văn cho các trường THPT trên toàn thành phố. Bài giảng được lựa chọn thực hiện là phần thực hành đọc hiểu bài Thị Mầu lên chùa, Ngữ Văn 10 bộ sách Cánh diều.
Tại buổi đánh giá, ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: “Tiết học này nhằm đưa ra vấn đề cụ thể cần đổi mới ở những phương diện nào và cách thức thực hiện. Chúng ta có nhiều cách tiếp cận nhưng đây là một trong những cách tiếp cận để các giáo viên có thể tham khảo”.
Theo ông Vũ, nếu thay đổi cách dạy, cách tiếp cận phù hợp đúng hướng học sinh sẽ vượt trội rất nhanh, ngược lại nếu không thay đổi sẽ làm môn văn trở nên thiếu thú vị.
Là người trực tiếp giảng dạy buổi học, cô Nguyễn Thị Hương Thuỷ, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An cho rằng những buổi đánh giá như hôm nay là cơ hội cho các giáo viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm hướng tới những giờ dạy có hiệu quả.
Đặc biệt, việc có sự trao đổi với chính tác giả biên soạn sách sẽ giúp cho lý luận dạy học và thực tiễn giảng dạy không còn nhiều khoảng cách, “Khi trao đổi với các thầy giúp chúng tôi hiểu được người chủ biên sách giáo khoa muốn truyền tải điều gì trong từng bài học từ đó thay đổi tư duy giảng dạy”, cô Thuỷ bày tỏ.
Thông qua buổi chuyên đề cũng góp phần thực hiện nhiệm vụ Chương trình GDPT 2018 và đây là cuộc đối thoại mở để cả người biên soạn sách giáo khoa, thầy cô giáo có những suy nghĩ, trăn trở làm sao đem lại hiệu quả cho người học.
Sau gần một năm học thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại khối THPT, phần lớn các thầy cô giáo tham dự buổi chuyên đề cho rằng chương trình mới giúp học sinh được thực hành, phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu, chủ động sáng tạo và những bài giảng đều được trình bày theo nhiều cách khác nhau.
Đánh giá về buổi dạy, GS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên bộ sách Ngữ Văn, bộ sách giáo khoa Cánh diều cho biết: “Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới tại khối THPT nên còn nhiều bỡ ngỡ khi đổi mới cách dạy. Cần có những buổi trao đổi để chúng tôi biết các thầy cô gặp những khó khăn gì để kịp thời có những điều chỉnh”.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đại Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: “Trong năm học này, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã triển khai nhiều chuyên đề liên quan đến Chương trình GDPT 2018. Chúng tôi đánh giá cao những buổi chuyên đề giúp tất cả giáo viên trên địa bàn thành phố được tiếp cận chân thực nhất với tất cả các bộ sách.
Nhờ có sự góp ý, nhận xét từ nhiều từ giáo viên, cơ quan chỉ đạo cấp trên, và đặc biệt các tác giả của bộ sách. Chúng tôi và các giáo viên cũng phần nào hiểu rõ hơn ý tưởng của bộ sách, từ đó thực hiện tốt hơn việc tiếp cận chương trình sách giáo khoa”.
Năm 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới từ lớp 10. Bộ GD&ĐT quy định, mỗi học sinh sẽ có 8 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, học sinh sẽ lựa chọn 4 trong 9 môn học gồm: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Khi dạy chương trình mới, giáo viên sẽ phải có cách tiếp cận mới. Việc xây dựng bài giảng cũng sẽ khác với việc đọc - chép như trước đây. Học sinh cần được tương tác và thực hành nhiều hơn.