Là món ăn quen thuộc thường có mặt trong mâm cỗ, cỗ Tết của người Việt, xôi gấc có màu đỏ tươi đẹp mắt tượng trưng cho sự may mắn và tươi mới. Không quá khó làm, tuy nhiên để có 1 đĩa xôi gấc chuẩn màu chuẩn vị thì thực không đơn giản. Bí quyết là gì?
Trước hết, bạn phải chọn được nguyên liệu ngon. Nếp để đồ xôi phải là nếp nương, nếp Tú Lệ hoặc nếp cái hoa vàng, vo qua nước sạch ấm khoảng 2 – 3 lần, sau đó mang đi ngâm. Nếu ngâm với nước ấm, bạn chỉ cần ngâm khoảng 4 tiếng là được. Nếu ngâm với nước lạnh, bạn ngâm qua đêm từ 6 đến 8 tiếng.
Tiếp đến là gấc – nguyên liệu không thể thiếu. Cứ 2kg gạo bạn trộn với 1 quả gấc. Quả gấc bổ đôi, tách hạt và thịt để riêng. Bóp gấc với rượu trắng để tách thịt ra khỏi hạt, bỏ hết phần hạt đen, bạn thu được thịt gấc đỏ sền sệt để nấu cùng với gạo nếp.
Bước quan trọng nhất để xôi gấc có màu đỏ đẹp mắt là cách pha với gạo. "Thần dược" ở đây là muối, dùng thịt gấc trộn đều vào gạo nếp đã ngâm, thêm 1/2 thìa cà phê muối, trộn đều tay để gạo nếp nhuộm đỏ.
Đổ nước cốt dừa lên trên, trộn đều với gạo gấc, tỷ lệ nước cốt dừa với xôi là cứ 2kg gạo ta dùng 200ml nước cốt dừa để ngâm 90 phút sau đó mang đi đồ trong chõ inox hoặc chõ gỗ truyền thống.
Trong quá trình chuẩn bị hấp xôi, bạn lấy đũa hoặc thìa đục 4 – 6 lỗ nhỏ ở giữa để hơi nước được lan tỏa khắp bề mặt, giúp xôi sẽ chín đều, không bị tình trạng nhão ở lớp dưới mà khô ở trên.
Xôi ngon đồ 2 lần lửa, lần 1 sau khi đồ xong bạn rải xôi vào khăn xô sạch để ráo bớt nước cho nguội. Sau đó, đồ xôi lần 2, trong lần này, cứ 8 phút mở nắp lấy đũa đảo 1 lần, khi xôi còn nóng, nêm xôi gấc thêm với đường cho vừa miệng có vị ngọt nhẹ. Đậy nắp lại hấp thêm 5 phút sau đó tắt bếp.
Xôi gấc đạt yêu cầu có màu đỏ tươi, hạt xôi tơi mềm nhưng dẻo không bị nhão, vị xôi gấc ngọt nhẹ thơm mùi nước cốt dừa, xôi ngon có thể để lâu mà không bị cứng hay vón cục.
Chúc bạn thành công!
Nguyên Anh (Tổng hợp)