Trong năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã bổ sung 27.826 biên chế giáo viên nhưng hiện nay cả nước còn thiếu khoảng 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.
Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, điều này gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Nguyên nhân chủ yếu việc thừa thiếu giáo viên mà Bộ GD&ĐT đưa ra là do sức hút vào ngành còn hạn chế, tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao, nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu.
Cùng với đó, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, trong khi số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng. Đến nay, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật,....
Thuộc tỉnh vùng cao, Đắk Nông gặp phải nhiều khó khăn về phân bổ giáo viên. Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Bá Cường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết: "Trong những năm gần đây, tốc độ gia tăng dân số của địa phương đã làm tăng quy mô số lượng học sinh gây ra áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục.
Khó khăn lớn nhất phải kể đến là số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của tỉnh đang thiếu nhiều so với định mức là 2.748 người".
Một trong những giải pháp tức thời hiện nay Đắk Nông áp dụng là tuyển dụng giáo viên hợp đồng lao động để giảng dạy lấp dần vào chỗ thiếu.
"Mỗi năm học, chúng tôi đều phải rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, cơ cấu giáo viên dư thừa cục bộ và điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, ưu tiên bố trí giáo viên cho những khối lớp triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.
Trường hợp chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức thì tổ chức bồi dưỡng giáo viên tiểu học dạy môn chung có thể dạy cả các môn Giáo dục thể chất, Tin học, Công nghệ", ông Cường cho hay.
Cùng với đó, địa phương này tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên học văn bằng 2 sư phạm chuyên ngành tiếng Anh, Tin học để bố trí dạy ở cấp tiểu học; hay đối với những giáo viên giảng dạy tại trường có ít lớp học thì thực hiện dạy liên trường, liên cấp nhằm đảm bảo đủ số tiết theo quy định.
Tuy nhiên, về dài hạn Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông vẫn đề xuất không cắt giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.
"Hiện nay, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của tỉnh Đắk Nông đang thiếu nhiều so với định mức, nên chưa đáp ứng được việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Chúng tôi mong muốn có chính sách điều chỉnh phù hợp để không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, không tinh giản biên chế 10% như nhau giữa các vùng, miền trong cả nước", ông Cường nói.
Đầu năm học 2024-2025 số giáo viên của tỉnh Hà Nam là 10.325 người, với khối mầm non 3.419 người, tiểu học 3.120 người, THCS 2.565 người, THPT 1.221 người, Trung tâm GDNN – GDTX là 68 người. Với số lượng đội ngũ như trên, tỉnh này thiếu 1.486 giáo viên.
Về con số này, bà Đoàn Thị Thu Thuỷ - Chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam bày tỏ: "Thiếu giáo viên cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước do chỉ tiêu biên chế được giao chưa đáp ứng đủ theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT".
Để chuẩn bị đội ngũ cho năm học này, Sở GD&ĐT Hà Nam đã phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, tổng hợp thực trạng, nhu cầu đội ngũ và xin chủ trương tuyển dụng giáo viên đủ biên chế được giao năm 2024.
Bà Đoàn Thị Thu Thuỷ thông tin: "Tuy nhiên, để sớm có đủ số lượng giáo viên đứng lớp, địa phương chúng tôi cũng đồng thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111.
Trong năm học 2024-2025, ngành giáo dục được tỉnh giao 979 chỉ tiêu hợp đồng giáo viên, nhân viên nhằm giải quyết được phần lớn khó khăn về thiếu đội ngũ của ngành".
Một phương án khác, Hà Nam cũng thực hiện huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập nhằm giảm một phần áp lực quá tải về học sinh và thiếu giáo viên cho các nhà trường ở khu vực đông dân cư và có nhiều khu công nghiệp.
"Nhưng do mức thu nhập của phần đông người dân của tỉnh chưa cao nên số gia đình có khả năng cho con em vào học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và số cơ sở giáo dục ngoài công lập tại tỉnh chưa nhiều", bà Đoàn Thị Thu Thuỷ cho hay.
Mặc dù vậy, trong năm học này công tác bố trí giáo viên của Hà Nam vẫn còn khó khăn vì nhiều lý do.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam cho biết việc tuyển lao động hợp đồng trong trường học mặc dù được ký kết bảo đảm chế độ tiền lương và được đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của Chính phủ, nhưng với tâm lý chỉ là lao động hợp đồng, không nằm trong chỉ tiêu biên chế được tuyển dụng nên việc tuyển hợp đồng cũng rất khó khăn.
"Theo quy định về tinh giản biên chế, giai đoạn 2022-2026, tỉnh Hà Nam phải thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Với đặc điểm là ngành được giao biên chế viên chức chiếm phần lớn trong tổng số biên chế sự nghiệp của tỉnh, việc phải thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục là khó tránh khỏi", bà Thuỷ bày tỏ.
Tính đến hết năm học 2023- 2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377, tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023 và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học 2022 – 2023.