Tình trạng thiếu trường công lập tại Hà Nội là một bài toán nan giải, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía. Đặc biệt, giải pháp cần đến sự phối hợp nhịp nhàng giữa hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập để đảm bảo quyền học tập cho mọi trẻ em.
Cần chiến lược dài hạn
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhận định rằng để khắc phục tình trạng thiếu trường công, Hà Nội cần một chiến lược bài bản và dài hạn.
Trước hết, chính quyền Thủ đô phải có kế hoạch ứng phó với sự gia tăng dân số, đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội học tập. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục, mà còn nâng cao chất lượng, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến theo định hướng của Luật Thủ đô 2024.
Ngoài ra, giáo dục không thể chỉ phục vụ học sinh có hộ khẩu Hà Nội, mà cần mở rộng cho tất cả cư dân đang sinh sống và làm việc tại đây. Song hành với việc đầu tư từ ngân sách nhà nước, Hà Nội cần huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, khai thác sự đóng góp của xã hội nhằm phát triển hệ thống trường học một cách bền vững.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: "Chúng ta luôn kêu gọi xã hội hóa giáo dục, nhưng thủ tục cấp phép, xin đất để xây trường tư vẫn còn quá phức tạp. Cần có cơ chế thông thoáng hơn để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này".
Ở đây, chuyên gia đề xuất cần phải đặt ra một mô hình hợp tác công – tư. Nhà nước phải tận dụng, huy động được sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong xã hội để đầu tư cho giáo dục. Nhưng đồng thời, Nhà nước phải kiểm soát, không phải "thả nổi", giao toàn quyền quyết định chất lượng, mức học phí cho trường tư.
"Hà Nội phải đi đầu trong việc thay đổi quan điểm trường tư chỉ cho con em những gia đình có điều kiện, mà đây là nơi mọi người đều có thể tiếp cận", ông Lâm đưa ra quan điểm.
Hợp tác công - tư: Hướng đi tất yếu
GS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng Hà Nội cần có những bước đi đột phá trong quy hoạch và xây dựng trường học. Một trong những giải pháp quan trọng là ưu tiên quỹ đất và nguồn lực tài chính cho giáo dục, rà soát các khu đất để tận dụng xây dựng trường công lập.
Cùng với đó, tăng chất lượng ở tất cả các trường học từ cơ sở vật chất tới đội ngũ giáo viên, làm sao để không đổ dồn tình trạng xin học cho con vào một số cơ sở giáo dục nhất định mà phụ huynh cho rằng trường đó là chất lượng cao.

Cần sự tham gia của khối ngoài công lập đầu tư phát triển giáo dục (Ảnh: Hữu Thắng).
Bà An cũng nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách công bằng giữa trường công và trường tư. Hiện nay, nghịch lý vẫn tồn tại: trường công quá tải, trong khi trường tư lại gặp khó khăn trong tuyển sinh.
"Cần có cơ chế khuyến khích để thu hút khối tư nhân tham gia vào giáo dục, như giảm thuế, giảm chi phí thuê đất. Nếu học phí trường tư không quá cao, chất lượng đào tạo được nâng cao, chắc chắn phụ huynh sẽ thay đổi quan điểm rằng chỉ có trường công mới là lựa chọn tốt nhất."
Mặc dù bản thân các trường tư cũng có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh khó khăn nhưng số lượng vẫn còn quá ít ỏi, học phí vẫn ở mức cao. Vì vậy, các nhóm trường này cũng cần chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội để học sinh học tập, bởi, khi đã đầu tư cho giáo dục thì không nên chỉ dừng lại quan tâm đến lợi nhuận.
Thay đổi tư duy phát triển giáo dục
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng chia sẻ quan điểm rằng, muốn phát triển giáo dục bền vững, cần đa dạng hóa mô hình trường học. Trong những năm qua, các trường tư thục đã góp phần đáng kể vào việc "chia lửa" cho hệ thống giáo dục công lập, nhưng các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào giáo dục phổ thông vẫn còn hạn chế.
"Thành lập một trường phổ thông ngoài công lập hiện nay gặp rất nhiều khó khăn từ thủ tục hành chính đến vấn đề đất đai. Trong khi đó, chính sách ưu đãi dành cho giáo dục lại chưa hấp dẫn như các ngành kinh doanh khác, khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà với lĩnh vực này," bà Nga phân tích.
Để thu hút phụ huynh, trường tư cần đảm bảo học phí hợp lý nhưng chất lượng phải tương đương hoặc cao hơn trường công. Đây là một bài toán khó, bởi trong khi mức thu học phí bị giới hạn, trường vẫn phải duy trì chất lượng đào tạo cao. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đồng thời thúc đẩy cơ chế tự chủ để các trường tư có động lực nâng cao chất lượng giáo dục.
"Quan trọng nhất là phải khuyến khích khối ngoài công lập phát triển. Khi các trường tư có điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng, nhà nước cũng giảm bớt gánh nặng đầu tư vào cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Điều này tạo ra một hệ sinh thái giáo dục lành mạnh, nơi mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tốt nhất," bà Nga nhận định.