Thiếu trường, thiếu lớp: Khi quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 4, 09/04/2025 07:00

Dân cư tăng lên nhanh chóng, trường học xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu, đang tạo ra một áp lực lớn đối với hệ thống giáo dục của Thủ đô.

LTS: Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục của cả nước. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số tăng lên đáng kể, cùng với sự thay đổi trong nhu cầu và điều kiện học tập của học sinh, khiến nhiều khu vực tại Hà Nội vẫn đối diện với tình trạng thiếu trường học trầm trọng. Hệ quả, tạo ra sức ép, sự cạnh tranh và áp lực không hề nhỏ cho mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, học sinh căng thẳng học tập, phụ huynh "mất ngủ" để tìm trường cho con khiến ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

Trong loạt bài này, Người Đưa Tin sẽ phân tích, tìm hiểu nguyên nhân, tác động và các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu trường học tại Hà Nội, nhấn mạnh vai trò của khối công – tư trong việc đảm bảo cho trẻ em Thủ đô có một môi trường học tập tốt nhất.

Ước mơ được học trường công

Chỉ còn ít tháng nữa mùa tuyển sinh các cấp của Hà Nội sẽ chính thức bắt đầu, câu chuyện thiếu trường học, đặc biệt là các trường công lập tại Thủ đô nhiều năm qua, lại lần nữa "nóng" dần, thậm chí năm sau thiếu hơn năm trước.

Nhu cầu học tại trường chất lượng, học phí phải chăng tưởng chừng là đơn giản, nhưng lại đôi khi lại là ước mơ khó với tới của nhiều gia đình.

Đầu năm học 2024-2025, ngay tại quận Nam Từ Liêm, do nhiều đại đô thị, chung cư lớn mọc lên liên tục như Vinhomes Smart City, Lumi Hà Nội, Masteri Smart City Tây Mỗ, Sun Square,…Trường học không đáp ứng kịp lượng dân cư tăng nhanh chóng thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng trường tiểu học mới xây dựng ngay trước cửa nhà, tuy nhiên, học sinh lại vẫn phải đi học ở khu vực khác vì cơ sở chỉ đáp ứng được khoảng 1.100 học sinh, nhưng nhu cầu thực tế là gần 1.700 em.

Theo đại diện lãnh đạo UBND phường thuộc quận Nam Từ Liêm, tại khu vực này quy mô dự kiến khi xây trường học được khảo sát, đánh giá dựa trên con số điều tra thực tế tại thời điểm chuẩn bị xây dựng. Tuy nhiên, khi hoàn thành trường học, đi vào sử dụng thì dân cư lại tăng mạnh, khiến quy mô trước kia không còn đáp ứng đủ.

Thiếu trường, thiếu lớp: Khi quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn- Ảnh 1.

Phụ huynh tại quận Nam Từ Liêm bức xúc vì con không có chỗ học.

Ở cấp THPT, cạnh tranh vào trường công lập còn nóng hơn bao giờ hết. Thuộc khu vực tuyển sinh số 7, nhưng chị Bùi Thị Viên (An Khánh, Hoài Đức) lại quyết định đổi khu vực tuyển sinh cho con để thêm cơ hội học tập.

"Điểm chuẩn qua các năm gần đây rất biến động, tâm lý phụ huynh chọn trường cho con như chơi lô tô. Năm ngoái Trường THPT Đoàn Kết tuy là trường top đầu nhưng lại giảm mạnh điểm chuẩn, ngược lại nhiều trường ở mức trung bình lại tăng điểm xét tuyển chóng mặt.

Mọi người đều thay đổi khu vực xét tuyển hoặc tính toán để con mình đỗ vào trường công lập, vì vậy, rất khó để đặt nguyện vọng chính xác. Với lượng thí sinh đông, trường ít như hiện nay đỗ vào trường công đã khó, việc mong muốn đỗ vào trường mình thích thì lại càng khó hơn", chị Viên chia sẻ.

Có nhiều nguyên nhân khiến Hà Nội nhiều năm qua rơi vào tình trạng "khát" trường học, nhưng một trong những lý do chính là dân số tăng vượt qua tốc độ quy hoạch xây dựng đô thị.

Thiếu trường, thiếu lớp: Khi quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn- Ảnh 2.

Số trường công mới được xây dựng tại Hà Nội chưa đáp ứng nhu cầu học sinh.

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội và qua giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND Thành phố, năm học 2023-2024, vì tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới hình thành, dân số cơ học tăng nhanh.

Vì vậy, dù đã cải tạo, xây mới được nhiều trường học nhưng tình trạng quá tải trường học công lập vẫn xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại một số quận, huyện, đặc biệt là các quận nội thành. Điều này dẫn đến Hà Nội thiếu khoảng 49 trường tại 8 quận (Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai).

Tuy nhiên, sang đến năm học 2024-2025, mới có 2 trường THPT công lập của thành phố đi vào hoạt động. Số trường được xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng số học sinh thi vào THPT lại không hề giảm bớt.

Căn cứ Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT 3 năm học trở lại đây của UBND Thành phố. Nếu năm học 2023-2024 có 129.210 học sinh xét tốt nghiệp THCS, thì chỉ có 72.000 em được học trường công lập. Sang năm học 2024-2025, số học sinh xét tốt nghiệp tăng lên là 133.000 học sinh, nhưng chỉ tiêu vào trường THPT công lập cũng chỉ dành cho hơn 81.000 em. Năm học 2025-2026 tới đây cũng sẽ chỉ có 79.000 suất học trường công lập, trên tổng số 127.000 học sinh xét tốt nghiệp THPT.

Năm học

Số lượng học sinh xét tốt nghiệp THCS

Số lượng học sinh xét tốt nghiệp THCS

2025-2026

127.000

79.000

2024-2025

133.000

81.200

2023-2024

129.210

72.000

Sự quá tải trường lớp cũng rất báo động ở bậc mầm non, theo Kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2025-2026 của quận Thanh Xuân. Khu vực này có khoảng 19 trường mầm non công lập, với 3.067 chỉ tiêu tuyển mới (Học sinh trong độ tuổi nhà trẻ là 1.195 chỉ tiêu, trong độ tuổi mẫu giáo là 1.872 chỉ tiêu), nhưng tổng số học sinh trên địa bàn trong độ tuổi đi học là 19.883 em. Ngay cả khi có sự "góp sức" của 25 trường mầm non ngoài công lập thì tổng số học sinh được đến trường cũng chỉ là khoảng 4.585 em.

Còn tại quận Cầu Giấy, năm học 2025-2026, có hơn 13.000 học sinh trong độ tuổi từ nhà trẻ đến 5 tuổi, nhưng tổng chỉ tiêu tuyển mới khối mầm non chỉ có 5.834 học sinh.

Khi tốc độ xây trường học tỉ lệ nghịch với phát triển dân số

Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh.

Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000-50.000 học sinh, đòi hỏi thành phố triển khai xây dựng trường học mới cả công lập và ngoài công lập là 30-40 trường/năm mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Khó khăn lớn của Hà Nội hiện nay là phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch tại một số địa bàn chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số, bên cạnh đó tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học trong quy hoạch còn chậm. Ở một số quận vẫn có tình trạng sĩ số lớp học cao hơn quy định.

Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là ở chỗ bậc THPT của thành phố hiện mới chỉ có 117 trường công lập, ít hơn các bậc THCS, tiểu học, mầm non. Điều này gây khó khăn, áp lực rất lớn đối với học sinh tốt nghiệp THCS thi tuyển vào lớp 10. Hằng năm, số học sinh tuyển vào lớp 10 THPT công lập mới chỉ đáp ứng được ở mức 60 - 62%. Việc thiếu trường khối công lập khi bị dồn về một số quận nội thành đông dân cư có số học sinh tăng nhanh.

Thiếu trường, thiếu lớp: Khi quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn- Ảnh 3.

Ông Trần Thế Cương đánh giá việc thiếu trường khối công lập khi bị dồn về một số quận nội thành đông dân cư có số học sinh tăng nhanh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng sự thiếu hụt trường học của Thủ đô trong trong hàng chục năm qua có nguyên nhân xuất phát từ dữ liệu đầu vào sai sót, ảnh hưởng rất lớn đến phân bổ trong quy hoạch.

"Thống kê nhiều năm qua, ở cấp THPT số trường công lập chỉ chiếm 42%, khiến học sinh không được học trường công dù nhu cầu rất lớn, khoảng cách giữa cung và cầu càng kéo dài qua từng năm học", ông Ánh bày tỏ.

Theo chuyên gia, công thức tính diện tích đất xây trường học là dựa vào số dân. Cụ thể, khoảng 1.000 dân có 310 học sinh 4 cấp phổ thông và các cấp dạy nghề, cao đẳng, trẻ khuyết tật. Mỗi học sinh tùy theo cấp loại có diện tích đất xây trường theo quy chuẩn.

Tại Nghị quyết 05 của HĐND Thành phố Hà Nội về quy hoạch phát triển giáo dục Hà Nội cũng yêu cầu đảm bảo khu vực có từ 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT công lập.

Thiếu trường, thiếu lớp: Khi quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn- Ảnh 4.

Qua tải trường học khiến học sinh áp lực mỗi mùa thi chuyển cấp (Ảnh: Hữu Thắng).

Quy mô trường không quá 45 lớp/trường; số học sinh trung bình 40 học sinh/lớp. Diện tích đất tối thiểu cho 1 học sinh đối với khu vực nội thành 6 m2/học sinh khu vực ngoại thành 10 m2/học sinh, với trường xây mới thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng tối thiểu là 15 m2/học sinh.

"Nhưng do việc tính toán và quản lý chưa phù hợp khiến tình trạng thiếu trường ở các cấp học, nhất là bậc THPT khó có thể bù đắp", ông Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ ra nghịch lý, dù thiếu đất xây trường nhưng vẫn có chỗ để các doanh nghiệp "chen chân" thực hiện các dự án bất động sản, mua bán qua lại, nhiều khu vực bỏ hoang đất và nhiều chủ đầu tư không xây dựng trường vẫn liên tục tiếp diễn nhiều năm qua.

"Như ở quận Hoàng Mai, các chủ đầu tư chỉ tập trung vào xây dựng nhà ở để bán, trong khi trường học thì thiếu trầm trọng. Từ bậc mầm non đến THPT, phụ huynh phải chạy đua để tìm chỗ cho con em mình" ông Trần Huy Ánh đánh giá.

Việc sửa chữa, bù đắp trường học ở thời điểm này sẽ vẫn rất khó khăn bởi đây là hệ lụy của nhiều năm, và dân số thì liên tục tăng cao.

Theo Kế hoạch 270/KH-UBND năm 2024, Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội yêu cầu tiếp tục rà soát sắp xếp quy hoạch mạng lưới và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp học. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp đảm bảo đủ số trường, lớp theo quy định; bổ sung quỹ đất, đầu tư xây mới trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các trụ sở cơ quan, trường Đại học để xây trường học công lập; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trường ngoài công lập ở các khu vực ngoại thành, vùng khó khăn, các khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.