Thiếu trường, thiếu lớp: Nghịch lý tranh giành suất học trường công, trường tư lại "khát" học sinh

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 5, 10/04/2025 08:45

Mặc dù chú trọng đầu tư chất lượng giảng dạy, nhưng trường ngoài công lập vẫn chỉ là lựa chọn thứ yếu của phụ huynh.

Năm học 2025-2026, với 127.000 học sinh xét tốt nghiệp THPT, nhưng sẽ chỉ có 79.000 suất cho các em học trường công lập. Trước mắt, khi chưa có những giải pháp căn cơ cho trường học tại Hà Nội, phụ huynh đành phải tự tìm cách xoay xở, để có một phương án học tập an toàn cho con em mình.

Những khoản đầu tư chấp nhận "mất trắng"

"Ai cũng phải đặt cọc tiền cho con ở trường tư", là lời chia sẻ của phụ huynh Phạm Ngọc Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) với Người Đưa Tin.

Vị phụ huynh này cho biết do tỉ lệ chọi vào trường công cao, điểm xét tuyển lại biến động và không muốn cho con phải đi học nghề, nên quyết định chủ động tìm hiểu sớm cho con một trường ngoài công lập ngay khi kỳ thi chưa bắt đầu.

Chị Ngọc Thúy thông tin: "Ban đầu, tôi định đăng ký cho con vào Trường THPT Lý Thái Tổ với mức phí ghi danh 1 triệu đồng và tiền mua hồ sơ. Tuy nhiên, khi biết rằng để nhập học, tôi phải đóng 7 triệu đồng, cùng với đó là không hoàn lại nếu con không theo học, nên tôi đã thay đổi ý định chuyển sang một trường tư khác ở Hà Đông".

Phụ huynh bày tỏ con số 8 triệu đồng là quá lớn, và không phải gia đình nào cũng có khả năng tài chính để chi trả và quyết định "mất trắng", mặc dù phải đối mặt với nguy cơ con trượt tất cả nguyện vọng. Sau khi cân nhắc, chị đã chọn một cơ sở giáo dục khác với mức đặt cọc chỉ 1,5 triệu đồng, và nếu không cho con học, chị sẽ được hoàn lại 1,2 triệu đồng.

"Không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng hết sức căng thẳng, không phải ai cũng có đủ tài chính để cho con học trường tư, nhất là các trường chất lượng, cơ sở tốt thì học phí không hề nhỏ. Học trường công lập là lựa chọn tối ưu nhưng cạnh tranh ngày càng cao, năm nay lại thay đổi cách thức thi nên chúng tôi phải tính toán phương án an toàn nhất cho con", chị Ngọc Thúy cho hay.

Thiếu trường, thiếu lớp: Nghịch lý tranh giành suất học trường công, trường tư lại "khát" học sinh- Ảnh 1.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được đánh giá hết sức căng thẳng vì tỉ lệ chọi cao (Ảnh: Hữu Thắng).

Xác định nguyện vọng 1 cho con ở ngôi trường có mức điểm chuẩn trung bình hằng năm là 30 điểm, số điểm không quá cao nhưng anh Mạnh Tiến (Hà Đông, Hà Nội) vẫn lo lắng tìm hiểu thêm các trường tư để làm phương án dự phòng.

"Gia đình xác định sẽ bỏ ra khoản phí từ 1 đến 3 triệu đồng để giữ chỗ, ngay cả mất số tiền đó cũng là vui vì đã đỗ trường công. Việc đặt chỗ trước không phải là không tự tin vào khả năng học tập của con, mà có thêm lựa chọn cho cháu vững vàng đi thi, tránh áp lực", anh Mạnh Tiến cho hay.

Phụ huynh này cũng chia sẻ tâm lý chung của phụ huynh thì đều muốn con mình học trường công, bởi không phải ai cũng có điều kiện, với mức lương cơ bản học trường nhà nước sẽ giảm rất nhiều chi phí. Tuy nhiên, hiện như trên địa bàn quận Hà Đông có dân số đông nhưng chỉ có một vài trường công như Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, THPT Trần Hưng Đạo, THPT Quang Trung nên sự cạnh tranh là rất lớn.

Trường tư đi tìm chỗ đứng trong nguyện vọng của thí sinh

Dù nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng quan tâm đến chất lượng đào tạo, nhưng vì nhiều lý do, các trường ngoài công lập vẫn chỉ là lựa chọn xếp sau của các bậc phụ huynh. Điều này xảy ra tình trạng trường công thì quá tải, nhưng trường tư lại gặp cạnh tranh cao về nguồn tuyển.

Là hệ thống có số trường THPT đông nhất Hà Nội nhưng Trường THPT Phenikaa cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Vũ Anh Tú - Hiệu trưởng vận hành cấp THPT, Trường THCS - THPT Phenikaa cho biết trường công lập vẫn nhận được sự quan tâm, là bởi, thứ nhất, hệ thống các trường THPT công lập của Hà Nội đã có truyền thống đào tạo lâu năm, khiến dễ dàng thu hút các bậc cha mẹ và học sinh. Kèm theo đó, không thể phủ nhận trường công vẫn có mức chi phí học tập phù hợp với phần đa phụ huynh.

Đại diện nhà trường cho biết: "Không chỉ riêng trường chúng tôi, mà nhìn chung các khối trường ngoài công lập đề gặp nhiều vấn đề việc khó tiếp cận thông tin về nhu cầu học tập của học sinh, cũng như là làm thế nào để học sinh và phụ huynh thay đổi suy nghĩ về học tập ở trường tư".

Thiếu trường, thiếu lớp: Nghịch lý tranh giành suất học trường công, trường tư lại "khát" học sinh- Ảnh 2.

Bà Vũ Anh Tú - Hiệu trưởng vận hành cấp THPT, Trường THCS - THPT Phenikaa.

Mặc dù cũng có danh tiếng nhất định, nhưng vị hiệu trưởng cũng thừa nhận gặp phải sự cạnh tranh không nhỏ không chỉ với các trường tư khác, mà còn với khối trường công lập.

Những năm gần đây, nhiều chính sách tạo điều kiện cho xã hội hóa giáo dục, số trường THPT ngoài công lập thành lập mới tăng lên, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết những mong muốn của phụ huynh. Kèm theo quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các trường nói chung và nhóm các trường tư thục nói riêng.

Một khó khăn nữa, năm 2025 cũng là năm đầu tiên mà khóa học sinh THPT tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018, đây sẽ là năm bản lề mà các trường tư có chất lượng đào tạo thật sự phải nỗ lực chứng minh cho phụ huynh thấy chất lượng "đầu ra", kết quả này cũng quyết định công tác tuyển sinh năm tiếp theo của nhà trường có thuận lợi hay không.

Bà Anh Tú cũng cho rằng công tác phân luồng hiện nay cũng cần được điều chỉnh theo bối cảnh mới, đảm bảo phù hợp số lượng học sinh theo học khối công lập, ngoài công lập và đào tạo nghề nghiệp.

Thiếu trường, thiếu lớp: Nghịch lý tranh giành suất học trường công, trường tư lại "khát" học sinh- Ảnh 3.

Quỹ xây dựng trường ở Hà Nội vẫn còn hạn chế (Ảnh: Hữu Thắng).

Tuyển sinh đã khó, việc đầu tư xây dựng trường học cũng không hề dễ dàng với các nhà đầu tư, nhất là tìm quỹ đất để xây trường, bà Trần Phương Hoa - Giám đốc chiến lược của Tập đoàn Giáo dục EQuest thông tin những mảnh đất để giành cho giáo dục không được công khai, ngay bản thân nhà đầu tư phải nhờ rất nhiều bên để có được thông tin.

Cùng với đó, chi phí chuyển nhượng đất giáo dục quá cao, không phù hợp với những nhà đầu tư thuần giáo dục.

"Nhiều lô đất giáo dục được giao theo chủ trương xã hội hóa gần như miễn phí ban đầu, tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư được giao đất nhưng không thực hiện triển khai xây dựng, để hoang và chờ giá lên. Dẫn tới nhiều mảnh đất giáo dục có giá trị hàng trăm tỷ đồng, chưa kể những chi phí xây dựng khác, khiến đây trở thành rào cản rất lớn", bà Trần Phương Hoa chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều mảnh đất dành cho giáo dục đã được quy hoạch từ rất lâu theo mạng lưới cố định và chưa linh hoạt nên hiện tại không còn phù hợp với nhu cầu thực tế về thị trường trong khi việc thay đổi quy hoạch tốn kém nguồn lực và thời gian.

Ở đây, bà Hoa đưa ra ví dụ, theo quy hoạch trong khu vực chỉ còn trường mầm non mà nhu cầu của thị trường lại đang cần trường phổ thông liên cấp. Điều này cho thấy quỹ đất thì thừa, nhu cầu thì lớn, nhưng sẽ rất khó cho các nhà đầu tư khi đây là bài toán kinh tế không hiệu quả.

Trong Kế hoạch phân luồng và Kế hoạch của UBND Thành phố về việc triển khai Đề án "Giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đã đặt mục tiêu phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vừa đào tạo chương trình trung cấp nghề vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp THCS vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập 60%.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.