Sữa chua thực chất là sữa bò tươi hoặc sữa được pha theo công thức sữa tươi cho lên men với các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột (Lactobacillus bulgaricus và Streptococus thermophilus). Quá trình chủ yếu xảy ra trong lên men sữa chua là đường Lactoza chuyển thành đường glucoza, sau đó các đường đơn này chuyển thành axit Piruvic, rồi chuyển thành axit lactic.
Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất protein (với nhiều axit amin cần thiết, nhất là Lysin), Glucid, Lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B và A.
Là loại thực phẩm bổ dưỡng, sữa chua có thể giúp tăng cường một số khía cạnh về sức khỏe của người sử dụng. Một số lợi ích tuyệt vời của sữa chua có thể kể đến:
- Giảm cân: Sữa chua được coi là một nguồn canxi tuyệt vời. Canxi là một khoáng chất thiết yếu rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, đồng thời cũng đã được nghiên cứu về tác dụng giảm cân. Các nghiên cứu về ống nghiệm cho thấy nồng độ canxi trong máu cao có thể làm giảm sự phát triển của tế bào mỡ. Tương tự, các nghiên cứu trên động vật liên kết việc bổ sung canxi với tỉ lệ giảm đáng kể trọng lượng cơ thể và khối lượng chất béo.
- Phòng chống viêm nhiễm vùng kín: Sữa chua có tác dụng kích thích sự phát triển của lợi khuẩn, khiến cơ thể cải thiện hệ miễn dịch, từ đó giúp giải quyết nhiều vấn đề về viêm nhiễm vùng kín ở phụ nữ.
- Có lợi cho hệ tiêu hóa: Sữa chua có nhiều vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa nên nếu ăn mỗi ngày sẽ giúp điều hòa đường ruột, tăng khả năng miễn dịch, chống tình trạng đầy hơi, chướng bụng… Bên cạnh đó, sữa chua có chứa axit lactic, có tác dụng kìm hãm sự phát triển vi khuẩn helicobacter pylori - nguyên nhân chính gây nên các bệnh về dạ dày.
- Làm đẹp da: Axit lactic trong sữa chua cũng có tác dụng làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn, tẩy tế bào chết. Lượng vitamin B dồi dào trong sữa chua giúp da sáng và hỗ trợ tăng trưởng, tái tạo tế bào. Chị em phụ nữ ăn sữa chua mỗi ngày sẽ sở hữu làn da mịn màng, trắng sáng.
- Tốt cho tim mạch: Một số nghiên cứu cho thấy việc hấp thụ chất béo bão hòa từ các sản phẩm sữa nguyên kem làm tăng nồng độ cholesterol có lợi (HDL cholesterol), có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng ăn sữa chua làm giảm tỉ lệ mắc bệnh tim tổng thể. Hơn nữa, các sản phẩm từ sữa như sữa chua đã được chứng minh là giúp giảm tình trạng tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim. Các tác động này dường như nổi bật nhất ở những người đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp.
Đặc biệt ăn sữa chua chính là “chìa khóa vàng” để mang đến cho chị em phụ nữ sự khỏe mạnh, dẻo dai, một sức sống căng tràn. Sau tuổi 25, phụ nữ dễ gặp phải nguy cơ loãng xương trong quá trình sinh nở, nuôi con. Sữa chua giúp bổ sung trở lại một lượng canxi rất lớn để ngăn ngừa nguy cơ tiềm ẩn này.
Tuy nhiên, không phải chúng ta tiêu thụ sữa chua ở bất kỳ thời điểm nào cũng tốt. Dưới đây là 2 thời điểm tốt nhất trong ngày để ăn sữa chua.
Buổi sáng
Để bắt đầu ngày mới với nguồn năng lượng cho cả ngày làm việc, cơ thể chúng ta cần được bổ sung các chất dinh dưỡng một cách đầy đủ và việc ăn một hộp sữa chua sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ canxi. Ngoài ra, khi thêm sữa chua vào bữa ăn sáng sẽ giúp kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng.
Tuy nhiên không nên ăn sữa chua khi bụng rỗng vì dịch vị của dạ dày sẽ phá hủy các vi khuẩn có lợi trong sữa chua. Bạn nên kết hợp ăn sữa chua với bánh mì, ngũ cốc hoặc hoa quả sấy, vừa ngon miệng vừa đảm bảo dinh dưỡng.
2 tiếng sau mỗi bữa ăn
Ăn sữa chua lúc bụng đói không hề tốt nhưng ăn lúc quá no cũng chẳng hề có lợi, thậm chí còn khiến bạn tăng cân. Hai tiếng sau mỗi bữa ăn là thời điểm thích hợp để bổ sung sữa chua vì lúc này cơ thể ở trạng thái không quá no hoặc không quá đói. Lúc này, dịch vị dạ dày đã bị loãng, độ PH trong dạ dày tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong sữa chua phát triển tối đa. Do đó, ăn sữa chua vào thời điểm này có lợi cho sức khỏe, giúp việc hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn.
Minh Hoa (t/h)