Phát triển công nghiệp hệ sinh thái, nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ
Tại buổi lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vào ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Dương phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đồng bộ của quốc gia, vùng, địa phương hay ngành, lĩnh vực. Thủ tướng chỉ rõ 5 nội dung, yêu cầu, 3 tư tưởng chủ đạo của công tác quy hoạch và 5 nhiệm vụ trong xây dựng quy hoạch.
Đó là quy hoạch dẫn dắt, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả các không gian: Đất, nước - biển, không gian ngầm; thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; góp phần bảo đảm công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân, bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Quy hoạch phải bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính hệ thống, khoa học, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, người dân tỉnh Bình Dương có truyền thống anh hùng cách mạng; luôn khát vọng vươn lên, không hài lòng với những gì đang có và luôn muốn vượt qua chính mình, đây là di sản quý báu được hun đúc qua các thời kỳ.
Với những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ chúng ta rất tự hào về Bình Dương, tỉnh đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Bình Dương năng động, sáng tạo, là động lực phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, Thủ tướng hoan nghênh "3 xây dựng" của tỉnh Bình Dương gồm: Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; xây dựng xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính.
Thủ tướng đề nghị Bình Dương thực hiện "3 tiên phong"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị, UBND tỉnh Bình Dương trong quá trình phát triển phải thực hiện "3 tiên phong".
Thứ nhất, tiên phong kết nối nền kinh tế với vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh hóa, số hóa.
Thứ hai, tiên phong chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, số hóa, xanh hóa kinh tế để phát triển nhanh, bền vững.
Thứ ba, chủ động, tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, công nghệ cao, thông minh, chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Dương cần tập trung huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công - tư, nguồn lực bên trong và bên ngoài…) và tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả; lưu ý yếu tố con người là quyết định.
Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải cùng các địa phương và Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ môi trường xin cho, tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.
Tỉnh Bình Dương phải thông tin, phổ biến bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng những thành quả từ quy hoạch với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng". Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng gợi ý Bình Dương nghiên cứu xây dựng cung triển lãm.
Về nội dung xúc tiến đầu tư, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục phát huy vai trò đi đầu trong thu hút đầu tư và lắng nghe nhiều hơn nữa các ý kiến góp ý của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Bình Dương để đầu tư; tin tưởng các dự án sẽ triển khai thành công, mang lại hiệu quả; đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác theo tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; đã thực hiện là có hiệu quả".
Cùng với đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; tiên phong trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đóng góp ý kiến tham vấn cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.
Tiềm năng lợi thế của Bình Dương rất lớn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Bình Dương là rất lớn. Thủ tướng cho rằng tuy diện tích của tỉnh không lớn (xếp thứ 44/63 cả nước) nhưng dân số trên 2,82 triệu người (đứng thứ 6/63), lực lượng lao động chiếm 64% dân số (trong khi bình quân cả nước là 53%). Điều này cho thấy xu thế lớn trong dịch chuyển lao động về Bình Dương, sức hấp dẫn của Bình Dương.
Sau gần 30 năm tái lập tỉnh (từ 01/01/1997), từ một tỉnh nghèo, quy mô GRDP tăng từ 3,9 nghìn tỷ đồng lên hơn 487.000 tỷ đồng năm 2023 (gấp gần 125 lần).
GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 172,5 triệu đồng, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực (tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 90% năm 2023).
Bình Dương là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam. Tính cuối tháng 8/2024, có hơn 4,3 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3/63 (sau Tp.HCM và Tp.Hà Nội).