WHO liệt 'cô đơn' vào danh sách đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu
Theo Guardian, trong ngày 16/11, WHO đã quyết định đưa "tình trạng cô đơn" vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu. Cơ quan này cũng thành lập Ủy ban về Kết nối Xã hội - một ủy ban quốc tế chuyên nghiên cứu về sự cô đơn.
"Sự cô đơn gây hại cho sức khỏe tương đương với hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, thậm chí còn tạo ra nhiều nguy cơ hơn chứng béo phì hay lười vận động", Tiến sĩ Vivek Murthy, người đứng đầu Ủy ban về Kết nối Xã hội cho biết.
Cũng theo ông Murthy, cô đơn là tác nhân khiến nguy cơ mất trí nhớ ở người cao tuổi tăng thêm 50%, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ. Hiện tại, cứ 4 người lớn tuổi trên thế giới thì có 1 người phải sống trong cô đơn.
Báo cáo của WHO cho biết, tình trạng cô đơn xuất hiện tràn lan sau đại dịch Covid-19, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của 1/4 người già và 1/7 thanh thiếu niên trên toàn thế giới.
"Cô đơn đang dần vượt quá giới hạn và trở thành mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, phúc lợi và sự phát triển", đặc phái viên WHO Chido Mpemba nói.
Theo Guardian, có 12,7% thanh thiếu niên ở châu Phi phải đối mặt với tình trạng cô đơn, gấp đôi con số 5,3% ở châu Âu. Những người trẻ cô độc thường có xu hướng bỏ học, gia tăng nguy cơ trầm cảm và tự sát.
"Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến 1 quốc gia. Đây là một mối đe dọa toàn cầu đang bị đánh giá thấp", ông Murthy nhấn mạnh.
"Việc không có đủ mối quan hệ xã hội chặt chẽ sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, mất trí nhớ, trầm cảm, tự tử và hơn thế nữa", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Phải cấp cứu sau 15 phút uống thuốc chữa viêm họng tự mua
Bệnh nhân 15 tuổi (Hải Phòng) có biểu hiện đau rát họng, gia đình đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc về cho người bệnh uống. Sau uống thuốc khoảng 15 phút, người bệnh có biểu hiện nổi mẩn khắp người, hai mắt sưng và được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Tại bệnh viện, người bệnh được xác định bị sốc phản vệ độ 2 và được tiến hành cấp cứu theo phác đồ. Hiện người bệnh tỉnh táo, sức khỏe ổn định.
Theo các bác sĩ khoa Cấp cứu bệnh viện, việc tự ý mua và dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt đối với những người có tiền sử dị ứng hoặc chưa biết bản thân có dị ứng thuốc hay không bởi nó có thể dẫn đến sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Trước đó ngày 28/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai thông tin trường hợp bệnh nhân tử vong do sốc thuốc phản vệ cấp độ 4. Trước nhập viện 1 ngày, bệnh nhân bị đau nhức mắt nên tự đi mua thuốc tây không rõ loại về uống. Chiều cùng ngày, người này bị mẩn ngứa khắp người nghi do dị ứng thuốc nên đến trạm y tế xã cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân bị ngất xỉu nên người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện vào 18h35 ngày 27/9, trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, da tái lạnh, đồng tử giãn.
Theo bác sĩ xác định, người bệnh đã tử vong ngoại viện do sốc phản vệ độ 4 sau uống thuốc tân dược (không rõ loại). Người này có tiền sử dị ứng thuốc tây.
"Việc cấp cứu người bệnh bị sốc phản vệ phải được thực hiện bởi các y bác sĩ có chuyên môn và dụng cụ hỗ trợ, hộp thuốc chống sốc. Vì vậy hãy ngay lập tức đưa những người có biểu hiện sốc phản vệ đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian ngắn nhất có thể", bác sĩ khuyến cáo thêm.
Báo động tình trạng chọn "giờ vàng" mổ lấy thai
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan - Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, sinh con tự nhiên là phương pháp sinh lý và tốt nhất cho mẹ và thai. Mổ lấy thai chỉ nên thực hiện trong trường hợp mẹ có bệnh lý và thai không cho phép đẻ thường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng mổ đẻ khi chưa có chuyển dạ (mổ đẻ chủ động) do chọn ngày giờ sinh đẹp trở nên phổ biến.
Tỷ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới cũng có xu hướng tăng nhanh trong những năm trở lại đây, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ mổ lấy thai vẫn còn cao, khoảng 39,1%. Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ mổ lấy thai ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương là 41%, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là hơn 43%.
Trong số 423 bà mẹ (ở quận Hoàn Kiếm và Gia Lâm, Hà Nội) tham gia nghiên cứu, có 30,3% bà mẹ mổ lấy thai, trong đó, 14% muốn mổ lấy thai để chọn được ngày, giờ sinh tốt cho đứa trẻ và 16,7% là do chịu sự tác động từ phía gia đình. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có thời điểm, mổ lấy thai chiếm tới 60% các ca sinh nở.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mổ lấy thai chỉ nên từ 5-10% nhằm tránh các tai biến cho mẹ và con. Yếu tố tâm linh là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến sản phụ chọn mổ đẻ thay cho sinh tự nhiên. Nhưng có thật ai sinh vào "ngày vàng, giờ vàng" cũng tốt hay không? Hậu quả của phương pháp mổ đẻ chủ động đã rõ, song vẫn có nhiều người lựa chọn phương pháp này chỉ vì muốn con sinh vào "giờ vàng".
Trẻ đẻ mổ chủ động hay gặp các bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh như dễ bị mắc các vấn đề về hô hấp sau sinh, việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, sự chuyển dạ của mẹ sẽ sản sinh ra nhiều hormone giúp trẻ đề kháng tốt. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ thiếu những hormone cần thiết nên thường yếu hơn những trẻ sinh thường.
Vì vậy, trước khi đề nghị chọn ngày, giờ sinh mổ, sản phụ cần tìm hiểu kỹ những lợi ích và tác hại của nó, lắng nghe tư vấn của bác sĩ. Để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra do mổ đẻ chủ động, bố mẹ không nên lựa chọn phương thức đẻ này khi không có chỉ định mổ đẻ bắt buộc. Bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh mổ trong trường hợp thai quá to, người mẹ có bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường hay dị tật về cơ thể, mang thai nhiều bé cùng một lúc, trẻ bị tràng hoa quấn cổ có nguy cơ tử vong, thai ngược…
Tuệ Minh (Tổng Hợp)