Tổ hợp xét tuyển đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo, tránh "trăm hoa đua nở"

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 7, 16/11/2024 16:31

Nhiều điều chỉnh về đề án tuyển sinh đại học từ năm 2025, tuy nhiên phải tránh trường hợp có phương thức không tuyển được ai.

Không chọn môn mới khó đánh giá chất lượng

Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT thí sinh phải trải qua 4 bài thi, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn thi lựa chọn trong số các môn sau: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Trong đó, đáng chú ý môn Tin học và môn Công nghệ lần đầu tiên được đưa vào môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Chương trình GDPT 1018. Tuy nhiên, việc môn mới xuất hiện có được thí sinh lựa chọn thi hay không phụ thuộc rất lớn vào phương án tuyển sinh của các trường đại học.

Là người trực tiếp giảng dạy ôn thi cho thí sinh, chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Đặng Ngọc Khương – Giáo viên Trường THPT Chuyên ngữ nhận thấy, nếu không sớm có đề án tuyển sinh sẽ gây khó khăn cho các em.

Tổ hợp xét tuyển đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo, tránh "trăm hoa đua nở"- Ảnh 1.

TS. Đặng Ngọc Khương – Giáo viên Trường THPT Chuyên ngữ.

"Lấy ví dụ, với kỳ thi đánh giá năng lực trước kia thi 7 môn gồm Toán, Ngữ văn và 5 môn khoa học. Nhưng với thay đổi mới, các em chỉ chọn thi 3 trên 5 môn khoa học gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Điều này đặt ra, học sinh không biết chọn môn nào cho phải, vì chưa rõ năm được các trường đại học xét tuyển thế nào", ông Khương bày tỏ.

Thầy giáo cho rằng, điều này cũng tương tự với phương thức xét tuyển bằng lấy điểm tốt nghiệp THPT, mỗi trường lại có yêu cầu riêng. Trước mắt, khi chưa rõ thông tin, chắc chắn các em chỉ chọn những môn học truyền thống, không quan tâm đến những môn lựa chọn mới, như vậy thì rất khó có thể khảo sát, đánh giá đúng sự đổi mới của kỳ thi.

Điều chỉnh tổ hợp theo yêu cầu chương trình đào tạo

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng đánh giá việc có thêm các môn mới là phù hợp, cần thiết, bởi sẽ thêm cơ hội và lựa chọn cho thí sinh.

"Về phía các cơ sở giáo dục đại học, theo yêu cầu mới, nhiều chương trình đào tạo hướng tới trang bị năng lực số cho người học, đặc biệt là các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực CNTT và kinh tế số. Việc căn cứ vào nhóm năng lực này khi xét tuyển đầu vào cũng sẽ giúp tìm được những thí sinh phù hợp", ông Mạnh Hà bày tỏ.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đại học đang chờ phương hướng tuyển sinh 2025 và dự kiến quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD&ĐT để xây dựng đề án tuyển sinh 2025, trong đó có các tổ hợp xét tuyển.

Tổ hợp xét tuyển đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo, tránh "trăm hoa đua nở"- Ảnh 2.

Ông Trần Mạnh Hà cho biết việc xây dựng tổ hợp nhằm đảm bảo quyền lợi giáo viên.

Theo ông Hà việc các trường có thể sẽ có điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển sẽ đảm bảo phù hợp với chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo, đồng thời vẫn có tính kế thừa trong phương án xét tuyển để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Dự kiến Học viện Ngân hàng sẽ công bố đề án tuyển sinh 2025 vào cuối tháng 12/2024.

Đưa ra lời khuyên cho các em, ông Trần Mạnh Hà cho hay hiện tại, các em không nên tập trung quá nhiều vào những thông tin chưa chính thức về các phương án xét tuyển . Thay vào đó, dành thời gian học thật tốt chương trình lớp 12 để đạt kết quả học tập và kết quả thi THPT 2025 tốt nhất trong khả năng của bản thân và khi đó, cơ hội xét tuyển vào các trường, các chương trình mơ ước sẽ rộng mở.

Đến nay, nắm bắt xu hướng mới, một số trường đại học đã có dự kiến mở thêm tổ hợp mới. Điển hình như Trường Đại học Công thương Tp.HCM thông báo sẽ có 5 tổ hợp mới, trong đó 4 tổ hợp khối C. Thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho những thí sinh có nền tảng khối C tiếp cận nhiều ngành, nghề khác nhau của trường.

Các tổ hợp được bổ sung là Văn, Sử, Địa; Văn, Toán, Lý; Văn, Toán, Hóa; Toán, Văn, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, chủ yếu thuộc nhóm luật, quản trị kinh doanh, khách sạn.

Ngoài ra, trường cũng thêm tổ hợp khác gồm ba môn Toán, Tin học và tiếng Anh. Trường dùng tổ hợp này để xét tuyển ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Khoa học dữ liệu.

Tổ hợp xét tuyển đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo, tránh "trăm hoa đua nở"- Ảnh 3.

Thí sinh cân nhắc kỹ về môn lựa chọn trong bài thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Hữu Thắng).

Thông tin với Người Đưa Tin, ông Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.HCM cho biết nhà trường có 4 tổ hợp môn xét tuyển năm 2025, gồm: Toán, tiếng Anh, Ngữ văn; Toán, tiếng Anh, Vật lý; Toán, tiếng Anh, Tin học; Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Theo ông Tiến, phương án tuyển sinh năm 2025 được xây dựng nhằm chọn lọc những thí sinh giỏi, đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của UEL và đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường lao động.

Tránh nở rộ phương thức xét tuyển

Đánh giá chung, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng với quy định thi 4 môn và học sinh biết trước môn thi hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, có điểm khác biệt là có ít nhất 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây.

Chuyên gia cho rằng thêm số môn thi, lựa chọn tổ hợp thi nhưng phía Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn, tránh trường hợp các trường "trăm hoa đua nở", thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp lạ.

Tổ hợp xét tuyển đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo, tránh "trăm hoa đua nở"- Ảnh 4.

Cần loại bỏ những tổ hợp, phương thức xét tuyển không hiệu quả (Ảnh: Hữu Thắng).

Đánh giá về công tác tuyển sinh đại học năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng nhiều trường vẫn còn quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý. Điều này gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn và khó khăn cho hệ thống trong quá trình xét tuyển.

Bên cạnh đó, phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.

Cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT , còn nhiều hạn chế trong việc sử dụng các phương thức xét tuyển. Một số trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển trong khi không ít phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.