Hướng tới nền giáo dục phổ thông khỏe mạnh, chất lượng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, giáo dục và đào tạo được xem là giải pháp hàng đầu trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với quan điểm và chủ trương của Đảng ta là luôn coi “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, nên thời gian qua các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội luôn trăn trở, tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, coi đây là những tiền đề quan trọng để xây dựng và thúc đẩy xã hội phát triển”.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; các điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông vào thực tiễn; việc quy hoạch các trường sư phạm; yêu cầu về môi trường làm việc, sự phát triển và việc giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục…
"Đây chính là các vấn đề đang đặt ra đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cơ quan hoạch định chính sách quốc gia tiếp tục cùng nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành giáo dục nước nhà” - Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết: “Ban tổ chức đã nhận được 61 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Chúng ta có mặt ở đây để bàn thảo và hướng đến nền giáo dục phổ thông khỏe mạnh, chất lượng”.
Tại hội thảo Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có báo cáo về Chất lượng giáo dục phổ thông và đề xuất những định hướng, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai các hoạt động xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới từ năm 2010, đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đào tạo đảm bảo trung thực khách quan.
TS.Lê Quang Minh (trung tâm Đào tạo quản lý tiên tiến, viện Quản trị ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, một trong những thành tích của giáo dục Việt Nam là đạt vị trí cao ở PISA 2015. Tuy nhiên, thoạt đầu tôi không tin bởi bao nhiêu năm qua, chúng ta đào tạo “thợ thi” rất giỏi. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, tôi nhận ra rằng PISA đo năng lực chứ không phải đo mẹo thi cử. Tôi bắt đầu tin vào PISA vào sự “thần kỳ” của giáo dục Việt Nam.
TS.Minh cảnh báo, chúng ta nhập chương trình giáo dục của các nước OECD (tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) coi chừng sẽ khác nhau về mục tiêu. Bởi các nước OECD đào tạo theo chiều rộng còn chúng ta đào tạo theo chiều sâu.
VNEN - Bộ nói tốt, dư luận bảo không tốt
TS.Minh cho rằng, các bên liên quan có cách nhìn nhận rất khác nhau về chất lượng giáo dục. Phụ huynh chỉ cần con điểm cao, đậu ĐH, nhà trường cần đạt chỉ tiêu địa phương giao, học sinh thi có giải cao… Chính vì thế, chúng ta cần làm giảm khoảng cách về chuẩn chất lượng giữa các bên.
Chúng ta cần cải thiện hệ thống đánh giá cứng (theo nguyên tắc, theo quy định) sang nguyên lý. Khoảng cách xa nhất hiện nay vẫn là trong mô thức tư duy, từ mô thức tư duy đóng sang tư duy mở.
Tôi kiến nghị bộ GD&ĐT thành lập một nhóm để soạn lại các khái niệm của giáo dục. Nếu không chúng ta cứ trên một nền hiểu sai các khái niệm, chúng ta sẽ tiếp tục sai.
TS.Lê Thống Nhất băn khoăn về quá nhiều đánh giá thành công của giáo dục. Bộ GD&ĐT đánh giá tốt nhưng dư luận, chuyên gia phản ứng. Về mô hình trường học mới (VNEN) Bộ nói tốt nhưng giáo viên, phụ huynh… không đồng thuận.
Từ góc nhìn của người đã được chứng kiến đầy đủ diễn biến công cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3 (từ năm 1981 đến nay) ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp sở GD&ĐT Nghệ An chỉ ra 6 điểm yếu kém của giáo dục phổ thông. Ông Nguyễn Đình Anh nêu cụ thể, việc dạy học còn nặng lý thuyết không chú trọng thực hành.
Chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ còn yếu kém. Công tác phân luồng sau THCS và THPT còn yếu kém. Cán bộ quản lý chỉ đạo chuyên môn các cấp Bộ, Sở, Phòng yếu kém về chuyên môn và thiếu trách nhiệm với ngành.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Nguyễn Đình Anh minh chứng, hàng chục năm hô hào đổi mới phương pháp dạy học, các cấp giáo dục tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học nhưng đến thời điểm này (năm 2017) vẫn chưa làm rõ được định hướng và nội dung đúng đắn cho việc đổi mới phương pháp dạy học ở từng cấp học.
Đỗ Thơm