Nhiều trẻ nhỏ, nhất là học sinh bậc tiểu học cảm thấy sợ đến trường, đến lớp vì thấy việc học tập quá nặng nề. Không chỉ riêng trường hợp bé gái lớp 5 ở Hậu Giang tự tử vì bị mẹ mắng không làm bài tập hay một học sinh lớp 10 ở Hải Phòng treo cổ tự tử vì bị thầy giáo mắng mà còn rất nhiều sự việc đau lòng khác. PV báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi cùng bà Ninh Thị Hồng - ủy viên Thường vụ hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bàn về phương pháp nuôi dạy con trẻ.
Bà đánh giá như thế nào về nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng khi trẻ tự tử vì áp lực học tập?
Từ xưa tới nay, việc quan tâm nhắc nhở con cái trong việc học tập vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của các bậc cha mẹ với con mình. Từ việc nhắc nhở và khuyên bảo đôi khi chuyển sang trạng thái quát mắng cũng là điều dễ hiểu nếu trẻ em thường xuyên mắc lỗi. Tuy nhiên, với tâm lý còn rất non nớt và dễ bị tổn thương, trẻ em thường làm theo cảm xúc nhất thời và dễ phạm sai lầm. Các em gần như không biết rõ hậu quả sẽ xảy ra mà chỉ coi đó là một giải pháp nhằm thoát khỏi những tổn thương đang phải trải qua.
Chính vì vậy các bậc cha mẹ cần có phương pháp giáo dục phù hợp với tính cách và sự nhạy cảm của con mình, tránh những lời quát mắng làm trẻ tổn thương. Qua những sự việc đau lòng trên, các bậc cha mẹ cần xem lại phương pháp giáo dục con. Trong mọi tình huống, quyền lợi tốt nhất của trẻ em phải được đặt lên hàng đầu.
Bà Ninh Thị Hồng cho rằng, cần xem xét năng lực của con trẻ để rèn luyện phương pháp học cho phù hợp.
Thường thì các bậc phụ huynh, thầy cô hay có sự so sánh tạo ra sự dồn nén tâm lý đối với những trẻ kém cỏi hơn, nhất là khi các em đang vào dậy thì, lứa tuổi nhạy cảm, dễ bị tác động. Liệu có sinh ra những hệ lụy xấu từ sự việc trên không, thưa bà?
Một trong những phương pháp giáo dục tích cực hiện nay là so sánh và nêu gương. Từ việc sử dụng hợp lý phương pháp này cho thấy có sự phấn đấu tốt hơn cho các em học sinh. Tuy nhiên cần thấy rõ sự khác nhau giữa phương pháp so sánh và sự so sánh, đối xử và sự quan tâm không công bằng với học sinh. Có rất nhiều áp lực đặt ra cho các em học sinh xuất phát từ cha mẹ khi không thực sự hiểu và quan tâm đến khả năng cũng như tâm tư nguyện vọng của con mình. Từ đó tạo ra sự lo lắng, áp lực, nhiều khi các em không định hướng được việc học tập để làm gì đối với bản thân mình và vô tình làm mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ.
Theo điều tra xã hội học, có đến 73,5% phụ huynh muốn con trở thành trí thức, nhất là đối với "con nhà nòi", do vậy bậc cha mẹ thường kỳ vọng nhiều ở trẻ, tạo áp lực lớn. Phải chăng chúng ta vẫn chưa thực sự can thiệp đến việc này, thưa bà?
Số liệu trên có thể chưa phản ánh hết vấn đề áp lực cho trẻ em đến từ cha mẹ mà chỉ thể hiện mong muốn tốt đẹp của cha mẹ cho con mình có hành trang tri thức, có tương lai tốt đẹp và đầu tư cho việc học tập. Điều đó rất đáng quý. Tuy nhiên sẽ là không chính xác nếu cho rằng 73,5% cha mẹ tạo áp lực lớn cho con mình. Có rất nhiều áp lực như thời gian, số lượng môn học, việc học thêm... đến từ bối cảnh chung của nền giáo dục nước ta hiện nay.
Theo ý kiến của bà, đối với trẻ đang bước vào tuổi dậy thì, việc học tập, rèn luyện thể chất, giải trí nên như thế nào là hợp lý?
Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em thì trẻ em có 4 nhóm quyền chính: Sống còn - bảo vệ - phát triển - tham gia. Để trẻ được phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mĩ thì quyền vui chơi cần tạo điều kiện và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em nhiều hơn nữa.
Nhiều phụ huynh thường chỉ trích nền giáo dục bất cập, tràn lan dạy thêm học thêm... nhưng quên mất rằng mình đang góp sức đẩy con cái đến chỗ quá sức trong học tập dẫn đến khủng hoảng tâm lý của trẻ. Là người nhiều năm gắn bó với nghiên cứu tâm lý trẻ, bà có lời khuyên gì đến những bậc phụ huynh?
Trước khi là "tương lai" của gia đình, xã hội, đất nước, con em chúng ta còn là "hôm nay". Tôi rất mong các bậc làm cha mẹ chú ý nhiều hơn đến tình cảm và giáo dục các giá trị đạo đức cho con em mình. Sẽ không gì tốt hơn là trẻ em được lớn lên với sự chăm sóc tốt về dinh dưỡng và y tế. Được giáo dục tốt về tình cảm đạo đức và trên hết là một tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Mặt khác cha mẹ nên theo dõi sát sao con mình, để nắm được điểm mạnh của con mình những hạn chế của trẻ để biết nên hướng trẻ ra sao cho phù hợp.
Xin cảm ơn bà!
Nên xem xét khả năng phù hợp với con trẻ "Nếu mong muốn các bậc phụ huynh đều đạt được chắc không có những gia đình có giàu có mà con cái lại học kém hoặc ngược lại có những em ở vùng xa xôi hẻo lánh lại có những thành tích cao. Vì thế nên tạo cơ hội và xem xét một khả năng phù hợp với con trẻ. Đừng ép chúng sa vào "bệnh thành tích". |
Cao Tuân- Nguyễn My