Khi Áo tổ chức cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào ngày 29/9, Đảng Bảo thủ (ÖVP) cầm quyền và Đảng Xanh (Greens) sẽ tiếp tục hợp tác về các vấn đề năng lượng, nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của quốc gia Trung Âu vào khí đốt Nga mà Đảng Tự do (FPÖ) đối lập đã tích cực bảo vệ.
Áp lực chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng của Áo vào Nga không chỉ đến từ trong nước mà còn đến từ giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels. Bản cập nhật gần đây về chiến lược an ninh quốc gia đã xác nhận cam kết trên toàn EU về việc loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào giữa năm 2027.
Các cuộc thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử chỉ ra rằng không có đảng nào được kỳ vọng sẽ giành đủ số ghế để giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội Áo khóa mới, trong khi Đảng FPÖ đối lập có một chút lợi thế hơn so với các đối thủ của mình.
Cụ thể, các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của cử tri dành cho Đảng FPÖ vào khoảng 27-29%, chỉ dẫn trước ÖVP một điểm.
Ba chính đảng khác cũng được dự đoán sẽ giành được khoảng 10% số phiếu bầu. Các đảng này đã từ chối thành lập liên minh cùng với lãnh đạo Đảng FPÖ Herbert Kickl. Điều này có thể mở đường cho một liên minh cầm quyền với quyết tâm cao hơn trong việc tách Áo khỏi các mối quan hệ năng lượng với Nga.
Theo đó, kịch bản khả thi hiện nay là liên minh cầm quyền hậu bầu cử sẽ bao gồm Đảng ÖVP của đương kim Thủ tướng Áo Karl Nehammer.
Hồi tháng 7, quốc gia Trung Âu này vẫn nhập khẩu 83% khí đốt từ Nga, trong khi EU nói chung chỉ nhập khẩu 15% loại nhiên liệu này từ Nga.
Áo là một trong những quốc gia EU phụ thuộc nặng nề nhất vào khí đốt Nga. Trong 2 năm qua, lạm phát ở nước này cũng đã vượt qua mức trung bình của EU, mặc dù nền kinh tế đang trên đà suy thoái.
Bức tranh kinh tế ảm đạm này phần lớn là do sự suy thoái kinh tế của đối tác thương mại chính của nước này, là Đức – cường quốc công nghiệp số 1 châu Âu vốn cũng đang phải vật lộn với cả quá trình chuyển đổi năng lượng và sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Hiện tại, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khí hậu Áo Leonore Gewessler đã vạch ra một kế hoạch để quốc gia Trung Âu đạt được sự độc lập về năng lượng lâu dài, bằng cách nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Đức và Italy.
"Sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga là một rủi ro kinh tế và an ninh lớn đối với Áo", Bộ năng lượng Áo cho biết trong một tuyên bố. "Do đó, điều cần thiết cho an ninh của đất nước chúng ta là tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt và ngừng mua khí đốt của Nga".
Wien Energie, đơn vị mua và phân phối khí đốt tự nhiên lớn nhất tại Vienna, hôm 13/9 cho biết họ có kế hoạch loại bỏ dần khí đốt Nga vào năm 2025.
Trước đó, công ty tiện ích của Vienna trở nên nổi tiếng trên toàn EU khi công bố những nỗ lực tiên phong nhằm thúc đẩy năng lượng địa nhiệt ở các thành phố lớn, cũng như trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, khi công ty này gần như phá sản do thiếu biện pháp phòng ngừa giá tăng đột biến.
Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt năng lượng ở Áo đã tăng lên kể từ khi Ukraine cho biết họ sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Gazprom, sẽ hết hạn vào cuối năm 2024. Theo thỏa thuận này, Ukraine đã vận chuyển khí đốt của Nga đến Áo.
Theo số liệu chính thức, cơ cấu năng lượng của Áo chủ yếu là thủy điện (59,41%), tiếp theo là phong điện (12,06%), khí đốt (10,64%), quang điện (7,73%), năng lượng sinh học (5,35%), nhiên liệu hóa thạch khác (4,73%) và than (0,09%).
Minh Đức (Theo Brussels Signal, Euractiv)