Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 67/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/9/2021.
Thông tư 67/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công Thương. Thông tư áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm.
Tổ chức thu phí gồm Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm), Bộ Công Thương, Sở công Thương, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm và các tổ chức khác (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) được giao thực hiện cung cấp các dịch vụ thu phí tại biểu phí ban hành kèm theo thông tư này.
Theo đó, phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm từ 500.000 đồng/lần/sản phẩm đến tối đa là 10 triệu đồng/lô hàng đối với kiểm tra chặt.
Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu (giấy chứng nhận lưu hành tự do, giấy chứng nhận xuất khẩu, giấy chứng nhận y tế) có mức 1 triệu đồng/lần/giấy chứng nhận.
Phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm có mức thấp nhất là 500.000 đồng/lần/cơ sở và cao nhất là 28,5 triệu đồng/lần/đơn vị.
Phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên các vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế có mức 1,1 triệu đồng/lần/sản phẩm.
Trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí, theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ, được để lại 70% số tiền phí thu được, để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định; nộp 30% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Bỏ phí thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm
Một trong những nội dung đáng chú ý của thông tư này là bỏ phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.
Cụ thể, trước đó, tại phụ lục ban hành kèm Thông tư 75/2020/TT-BTC, mức phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm đang là 30.000 đồng/lần/người.
Tuy nhiên, tại Thông tư 67/2021/TT-BTC, mức phí trên đã được bãi bỏ.
Đồng thời, Thông tư 67/2021/TT-BTC cũng bỏ phí thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm là 3 triệu đồng/lần/bộ xét nghiệm so với quy định cũ.
Về quản lý và sử dụng phí, Điều 6 Thông tư 67/2021/TT-BTC nêu rõ:
Trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23-8-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 70% số tiền phí thu được, để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP. Nộp 30% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư số 67/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 19/9/2021.
Tuệ Minh