Thời ấy, cha mẹ kiện con là việc rất hiếm nên Lũng Kỳ xem xét thận trọng. Ông cho người đi tìm hiểu và được biết cậu con trai chưa đến 20 tuổi, bố mất sớm phải sống dựa vào mẹ. Nhưng do người mẹ nuông chiều lại không biết quản dạy con, để anh ta giao du với những phường vô lại nên nhiễm thói xấu. Lười biếng, hỗn láo, thô bạo, bất hiếu với mẹ khiến bà tủi nhục đành phải kêu quan khiếu kiện. Sau khi biết rõ sự tình, Lũng Kỳ cho rằng nếu xử nghiêm theo luật sẽ thấu lý, nhưng khó đạt tình, bởi thế ông nói với bà cụ: "Nhà tôi hiện nay đang cần một người giúp việc, nếu cụ đồng ý tôi sẽ nhận con cụ đến làm tạm, đợi khi nào tôi tìm được người thích hợp sẽ thay".
Tuy, chưa hiểu rõ ý của quan tri huyện nhưng bà lão biết ông là người nhân đức nên đồng ý. Lũng Kỳ chỉ có một yêu cầu với cậu con trai là phải đi theo phục vụ ông từ sáng đến tối không rời nửa bước. Lũng Kỳ nổi tiếng là người con có hiếu. Bố đã qua đời chỉ còn mẹ. Mỗi buổi sớm ông thường đến đứng kính cẩn trước phòng đợi mẹ dậy. Rồi ông bê nước, lấy khăn để mẹ rửa mặt, bưng thức ăn mời mẹ điểm tâm, pha trà mời mẹ dùng. Khi ăn trưa Lũng Kỳ đỡ mẹ ngồi, còn mình đứng bên hầu hạ.
Có lần ông còn bắt chước điệu bộ của trẻ nhỏ để mẹ cười vui. Đợi mẹ ăn xong Lũng Kỳ mới ăn. Nhiều khi thức ăn trên bàn đều là thứ mẹ dùng thừa, nhưng Lũng Kỳ không hề câu nệ, ăn rất ngon lành, bữa tối cũng như thế. Sau giờ làm việc trên công đường, Lũng Kỳ lại vội vã về hầu hạ mẹ. Mỗi khi mẹ ốm ông luôn túc trực bên giường bệnh, có khi thức trắng đêm. Rảnh rỗi thời gian nào ông lại miệt mài đọc sách, hầu như quên cả việc bên mình có một "phạm nhân" can tội bất hiếu với mẹ, cũng chẳng bao giờ giáo huấn anh ta một lời về đạo đức. Cứ như vậy, suốt hai tháng, một hôm chàng trai kia đột nhiên chạy đến quỳ sụp trước mặt Lũng Kỳ xin cho anh ta được về thăm mẹ.
Lũng Kỳ nói: "Ngươi là đứa con bất hiếu. Vụ kiện chưa thụ lý, làm sao ngươi có thể về nhà được". Chàng trai liền òa khóc, nức nở nói: "Trước kia tiểu nhân hồ đồ ngu muội không hiểu đạo lý nên mới đắc tội với mẹ. Từ khi được theo hầu đại nhân tiểu nhân đã hiểu được thế nào là đạo làm con. Nay tiểu nhân xin được về để phụng dưỡng mẹ già bù đắp những lỗi lầm đã phạm phải...". Lũng Kỳ nghe xong lấy làm mừng, bấy giờ ông mới giảng giải cho cậu ta những điều sâu sắc của đạo nghĩa, rồi cho anh ta về. Quả nhiên, sau này anh ta trở nên đứa con hiếu thảo, lại chuyên tâm học hành, cũng đỗ đạt và được Lũng Kỳ tuyển chọn vào làm một chức quan nhỏ trong phủ huyện.
Cho nên một viên chức chân chính của ngành luật pháp cần phải có tâm sáng, lòng rộng, không chỉ thế còn phải rất vững vàng, kiên quyết không để bị ma lực của đồng tiền mua chuộc, cũng không thể bị sở hữu của các thế lực, hay chính khách, mà chỉ thuộc về công lý.
Luật nay: Không còn cách giáo dục mới xử lý hình sự
Khổng Tử dạy: "Làm phải theo luật. Sống phải theo đạo". Muốn làm theo luật phải hiểu luật. Hiểu luật là tự vệ tốt nhất. Hiểu luật để không phạm luật, để không bị kẻ cậy quyền bắt nạt, để tấn công kẻ vi phạm pháp luật bảo vệ mình, bảo vệ người khác. Nhiều người phạm luật bởi không biết, không hiểu luật. Song cũng không ít kẻ cố tình "lách luật". Làm quan toà khi xét xử, phán quyết cần làm cho bị cáo biết lỗi nhận ra lỗi, biết tội nhận ra tội, thương xót họ, tìm cách cứu giúp họ chứ không nên hãnh diện về tài hùng biện của mình và tỏ ra mình nhiều quyền lực.
Ngày nay, tuy pháp luật Nhà nước không có điều luật nào quy định "bất hiếu" thành một tội danh độc lập, song hành vi ấy vẫn bị xử lý phù hợp theo từng mức độ. Về nguyên tắc, hiện tượng đánh đập, mắng chửi, đày đọa, ngược đãi ông bà, cha mẹ đều là hành vi trái pháp luật. Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ: Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, ốm đau. Nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà, cha mẹ...
Người vi phạm nghĩa vụ nói trên, nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng, trước hết có thể bị xử phạt hành chính, bị chủ tịch UBND phường, xã xử phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng (theo Điều 11 Nghị định 87 ngày 21/11/2001 của Chính phủ). Biện pháp hành chính chủ yếu là nhằm giáo dục để cá nhân vi phạm nhận thức được sai phạm của mình, tự nguyện sửa chữa và chấm dứt hành vi vi phạm. Theo quan điểm hình sự của Nhà nước ta, đối với "kẻ bất hiếu", giáo dục, uốn nắn là chính, nhằm giúp họ tự khắc phục khuyết điểm trong cuộc sống gia đình. Trường hợp nghiêm trọng mới xử lý hình sự.
Hành vi đâm, chém, đấm, đá, đánh đập ông bà, cha mẹ có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (theo Điều 104 BLHS) với tình tiết tăng nặng do người bị đánh đập là ông, bà, cha, mẹ. Khác người dưng ở chỗ dù thương tật gây ra chưa tới 11% vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng vì đây là loại tội chỉ bị khởi tố khi nào có yêu cầu của người bị hại (theo Điều 105 BLTTHS) nên nếu ông bà, cha mẹ bị đánh không có yêu cầu thì không được truy cứu trách nhiệm hình sự người con bất hiếu.
Nhà văn Đắc Trung