Đến dự Hội thảo gồm có: Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo; Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam cùng nhiều quan khách đến từ các trường đại học, các sở Giáo dục các tỉnh, nhà xuất bản Công An Nhân dân, các phóng viên báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương.
Nhiều nhà văn thuộc các ban, các tổ chức của hội Nhà văn Việt Nam, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi lâu năm của hội Nhà văn Việt Nam tham gia và có tham luận.
Hội thảo đã thu hút được gần 30 bài tham luận với những chủ đề đa dạng, thiết thực cho việc kết nối văn học với nhà trường.
Tại diễn đàn, Nhạc sĩ - Nhà thơ Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh) trình bày bản tham luận của mình với nội dung “Chương trình và đổi mới phương pháp dạy học Ngữ Văn thiếu văn”. Nhà giáo Ma Thị Chuyên (Ba Bể, Bắc Kạn) nêu những “Góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn”, nêu vấn đề “Dạy học Ngữ văn cho học sinh dân tộc thiểu số hiện nay”. Nhà giáo Nguyễn Thị Diệp (Hoài Đức) đặt mình vào vị thế học sinh để nhìn nhận “Chúng em mong muốn điều gì ở thầy cô giáo dạy Văn”.
PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh (ĐH Thái Nguyên) có những “Góp ý Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông Ngữ văn và hoạt động dạy - học môn Văn trong trường phổ thông hiện nay”. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trình bày một bản tổng phổ các ý tưởng về vấn đề “Vì sao thơ hiện đại càng ngày càng ít đọc giả?”, lấy bài thơ Tổ quốc, nhìn từ biển của mình để soi chiếu.
Thầy giáo Trần Trung Hiếu (Trường PTTH Phan Bội Châu, Nghệ An) đóng góp cho Hội thảo tới 4 bản tham luận, chuyển tải “Những góp ý gửi lãnh đạo bộ Giáo dục”, đặc biệt nhấn mạnh “Nếu lịch sử là môn thi tự chọn sẽ là sai lầm lớn nhất của bộ Giáo dục và Đào tạo”. Nhà LLPB Bùi Việt Thắng trình bày những “Góp ý về Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn”...
Và cũng những ý tưởng đó, nhà thơ Nguyễn Thị Mai phân tích những bất cập cần thay đổi trong sách giáo khoa Việt Nam. Cao hơn, nhà LLPB Trần Mạnh Tiến nêu vấn đề “Học văn phải xuất phát từ truyền thống dân tộc”. Nhà thơ Vũ Nho phát hiện vấn đề “Giáo viên Ngữ Văn trước những thách thức của chương trình và sách giáo khoa mới”.
Nhà thơ Y Phương nêu thực trạng, có phải “Văn học giảng dạy trong nhà trường thiếu mảng văn học dân tộc thiểu số?”. Đặt mình vào vị thế học trò, nhà LLPB Cao Thị Hồng đưa ra tình huống “Là học trò tôi muốn học văn như thế nào”.
Đáng chú ý, GS.TS Hồ Ngọc Đại - tác giả của bộ sách giáo dục thực nghiệm vừa gây bão dư luận cũng xuất hiện tại hội thảo này. Ông Hồ Ngọc Đại kể những câu chuyện giáo dục, những ý tưởng mới trong phương pháp dạy và học môn Ngữ văn, để không thụ động, gượng ép giữa thầy và trò.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng bộ GD&ĐT đã tiếp thu những ý kiến và mong muốn sự hợp tác giữa các nhà văn và nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục và đào tạo văn minh hơn tiến bộ hơn.
Sau Hội thảo là Lễ phát động cuộc thi “Vì sự học ngày mai” do Bộ Giáo dục & Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.
Cầm Kỳ