Dứa đang vào mùa rộ, hãy tận dụng ngay để chăm sóc sức khỏe chính mình
Vài tuần trở lại đây, trên khắp các tuyến đường Hà Nội, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn là dứa chín thơm nức, ngọt ngào. Tuy ngọt và thơm nhưng ăn dứa lại quá đỗi phù hợp với tiết trời mùa hè oi ả. Vào những ngày nóng bức, chỉ cần một cốc nước ép dứa mát lạnh, thơm phức bên cạnh thì dường như cả sự oi ả đều bị đánh bay đâu hết.
Không chỉ giúp làm đẹp da, tóc, dứa còn giúp tăng cường sức khỏe xương, cải thiện các bệnh đường hô hấp, chống nhiễm trùng và nhiều hơn nữa.
Dứa rất giàu vitamin C là một phương thuốc chữa mụn trứng cá cũng như chứng viêm da. Bromelain – một loại enzyme có trong dứa làm tăng thêm hiệu quả hoạt động của vitamin C, giúp đánh bay mụn trứng cá dễ dàng.
Nó cũng rất hữu hiệu đối với làn da, mái tóc. Trong dứa có chứa chất chống oxy hóa, ngăn chặn tổn thương tế bào.
Các chất chống oxy hoá này cũng bảo vệ cơ thể bạn khỏi các bệnh như chứng xơ vữa động mạch, bệnh tim, viêm khớp, ung thư...
Theo Webmd, một cốc nước ép dứa chỉ có 74 calo và cung cấp 94% lượng vitamin C được khuyến cáo cho cơ thể mỗi ngày. Nó cũng chứa nhiều mangan, khoáng chất quan trọng cho cơ bắp, thần kinh và sức khoẻ của xương.
Dứa giàu chất xơ, giúp phân hủy protein tốt hơn, tiêu hóa tốt hơn và cơ thể phục hồi sức lực nhanh hơn.
Ăn dứa rất tốt nhưng đừng bỏ qua những lưu ý này từ chuyên gia
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền), trong Đông y, quả dứa có vị chua, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng, sinh khát, sinh tân dịch, lợi tiểu, có vai trò thúc đẩy tiêu hóa, kháng viêm và tẩy độc trong cơ thể, chữa viêm khớp, thống phong và giảm béo phì, chữa rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày ruột, tiêu viêm.
Nước ép quả dứa có tính nhuận tràng, tiêu tích trệ… Nõn dứa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Rễ dứa giúp lợi tiểu, chữa sỏi tiết niệu, tiểu tiện không thuận...
Mặc dù vậy, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) khuyến cáo, một số người cần hết sức cẩn trọng khi ăn dứa.
Trong dứa có men thủy phân protit, có tên là bromelin. Một số người có thể bị dị ứng nếu ăn phải chất này. Biểu hiện dị ứng sau khi ăn dứa là đau quặn bụng, đau đầu dữ dội, lợm giọng, nôn mửa, nổi mề đay, da nổi mẩn đỏ ngứa ngáy, chân tay và môi có cảm giác tê dại. Nặng hơn có thể bị khó thở, thậm chí tử vong. Do đó, tốt nhất với người lần đầu ăn dứa nên ăn từng tí một để lắng nghe cơ thể trước khi ăn nhiều hơn.
Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn quá nhiều dứa mỗi lần. "Trong dứa có chất serotonin có khả năng gây co thắt huyết quản mạnh, làm huyết áp tăng cao. Ăn quá nhiều một lúc có thể bị đau đầu, choáng váng", lương y Bùi Hồng Minh cho biết thêm.
Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ quả dứa được giới chuyên gia khuyên dùng:
- Chữa sỏi thận, sỏi đường tiết niệu: Dứa 1 quả gọt sạch mắt, khoét một lỗ nhỏ để cho khoảng 0,3g đường phèn rồi đem ninh nhừ trong 3 tiếng.
Sau đó bắc ra, ăn cả nước lẫn cái. Dùng liên tục mỗi ngày 1 quả trong vòng 7 ngày là xong một liệu trình thì dừng lại.
Hoặc: Dứa 1 quả đem nướng cháy, sau đó trộn với trứng gà, đánh nhuyễn và uống. Mỗi ngày uống 2 lần, thực hiện liên tục trong 3 ngày.
- Thấp khớp: Dầu dừa cho vào chảo đun nóng, sau đó bắc ra khỏi bếp, cho vài lá dứa vào khuấy đều cho đến khi nguội.
Sau đó lấy lá này xoa lên những khu vực đau nhức xương khớp, massage đều để những vùng đau nhức được tác động tuyệt đối.
- Tì vị sưng viêm, tiêu khát, lợi tiểu: Dứa 3 quả, đem gọt vỏ rồi ép lấy nước. Sau đó đem cô đặc rồi trộn với mật ong ăn dần.
- Sốt nóng, khát nước: Nõn dứa non 30g đem cắt nhỏ, giã nát, lấy nước uống hoặc đem phơi khô, sắc nước uống.
- Đau gan, viêm gan: Vỏ quả dứa 50g, cây chó đẻ răng cưa 20g, gan lợn 100g, tất cả đem thái nhỏ rồi sắc với 400ml còn 100ml, chia ra uống làm 2 lần trong ngày.
Trang Dung (t/h)