Báo Kinh tế và Tiêu dùng đưa tin, tại hội nghị giao ban trực tuyến Sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay thời gian qua, liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục phải dùng quỹ bình ổn để ổn định giá mặt hàng xăng dầu.
Tuy nhiên, ủy ban Thường vụ Quốc hội khả năng sẽ thông qua đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, mức tăng thuế cao nhất là dầu hỏa tăng 1.700 đồng/lít, mức tăng thấp nhất là dầu diesel tăng 500 đồng/lít và các mặt hàng xăng tăng 1.000 đồng/lít.
“Trong trường hợp ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất này, chúng tôi đề nghị Chính phủ trước mắt chưa vội tăng thuế bảo vệ môi trường, nếu tăng cần phải có lộ trình cụ thể chứ không tăng đột ngột, ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào sản xuất của doanh nghiệp và người dân”, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.
Trước đó, tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2018 của tổng cục Thống kê, bà Đỗ Thị Ngọc, Quyền Vụ trưởng vụ Thống kê giá cho rằng nếu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường được thông qua, CPI sẽ tăng thêm 0,27 - 0,29%.
Việc mỗi lít xăng "cõng" thêm 1.000 đồng thuế môi trường, theo bộ Công Thương, sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân.
Báo VnExpress thông tin thêm, Thứ trưởng Hải cũng cho biết, tại cuộc họp ban Chỉ đạo giá hôm nay (10/7), bộ Công Thương sẽ đề nghị Chính phủ trước hết không nên tăng kịch khung từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng ngay. "Còn nếu tăng, phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng một lúc 1.000 đồng mỗi lít", ông Hải nói.
Tuần trước, báo Tuổi Trẻ cũng đã thông tin, ngày 12/7 bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường tại phiên họp thứ 25 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã hoàn tất báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường, được Chính phủ trình đầu tháng 5 vừa qua.
Tại cuộc họp của Thường trực ủy ban Tài chính và Ngân sách diễn ra mới đây, cơ bản các ý kiến đã nhất trí với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được kiến nghị tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/ lít.
Trong khi đó mức thuế này với dầu diesel tăng thêm 500 đồng, lên 2.000 đồng/ lít, dầu ma-zút tăng 900 đồng lên 2.000 đồng/ kg.
H.Y (tổng hợp)