VNEN, dừng hay tiếp, đây là vấn đề khiến nhiều giám đốc sở GD&ĐT tỉnh, TP phải ngồi trên ghế nóng tại kỳ họp HĐND các tỉnh vừa qua. Các vị không khổ sao được khi phụ huynh thì tức giận bởi sau bao lần đề nghị bỏ VNEN đâu có ai nghe. Còn bộ GD&ĐT, ngay khi kết thúc dự án trị giá hơn 80 triệu USD đã ra văn bản “đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương”. Lãnh đạo các sở GD&ĐT đang ở vào tình thế “quay đi mắc lưới, quay lại mắc câu”. Bao công sức "vận động" của các vị cho VNEN đâu thể dừng là dừng ngay được!
Trong các văn bản chỉ đạo về dự án này trước đây, khi thực hiện, Bộ nhấn mạnh VNEN tạo “môi trường thân thiện”, “dân chủ”, “học sinh tích cực”… trong nhà trường. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế lại không được như mong muốn. Có lẽ, VNEN là mô hình có nhiều tên gọi phiên bản mới vừa hài, vừa bi nhất. Một phụ huynh ở Hà Tĩnh từng chia sẻ với người viết về cách gọi VNEN của họ là “Vào Ngồi Em Ngủ Về Nhà Em Ngu”. Họ bảo không ngu sao được khi con em họ lớp 4 vẫn không thể thực hiện thành thạo phép chia đơn giản cho 2.
Quay ngược thời gian trở về thời điểm bắt đầu VNEN, ngay từ khi bước chân vào Việt Nam, "nhân vật" từ xứ sở châu Mỹ La tinh này đã gặp phải sự phản đối của giáo viên, các chuyên gia giáo dục dù Bộ hết lời khen ngợi "tính cách" tuyệt vời của "rể Tây". Dù bị phản đối, bộ GD&ĐT vẫn chỉ định “cưỡng hôn”. Và theo lẽ thường, cuộc hôn nhân không có sự đồng thuận từ hai phía thì khó có thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn.
Bản thân người viết từng được một giáo viên tại Hà Tĩnh chia sẻ qua điện thoại gần 3 tiếng đồng hồ về VNEN. Ông từng có hàng trăm bài viết chỉ ra bất cập của VNEN gửi đi khắp nơi nhưng không được lắng nghe. Ông đau đớn nói với chúng tôi: “VNEN là cuộc “cưỡng hôn” kỳ lạ nhất của ngành giáo dục từ xưa đến nay”. Ông băn khoăn đặt câu hỏi: “Bao nhiêu mô hình giáo dục ở các nước giáo dục tiên tiến thì Việt Nam không học hỏi lại đi mang một mô hình từ một nước tận châu Mỹ La tinh về áp dụng?!”.
Theo tìm hiểu của PV, mô hình trường học mới khởi nguồn từ Colombia những năm 1995 - 2000 để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Dù cố viện ra lý do: “Có lẽ, những lớp học ghép ở miền núi Việt Nam vẫn “ám ảnh” tâm trí những người quản lý giáo dục Việt Nam” nhưng chúng tôi cũng không thể "ru ngủ" bản thân về nguyên cớ này.
Bản thân tác giả đã có vài chục bài viết về bất cập của mô hình này ở Việt Nam. Đáng tiếc, chúng tôi chỉ được nghe tiếng nói thẳng thắn, xây dựng đến từ các chuyên gia giáo dục đã nghỉ hưu và hoạt động độc lập. Một số giáo viên phản đối nhưng đó là những tiếng nói ít ỏi, yếu ớt. Hiệu trưởng các trường, lãnh đạo các phòng, sở giáo dục không nhận ra những bất cập đó hoặc họ không nghe được tiếng nói phản đối từ giáo viên.
Tôi nhớ lần trực tiếp đến quan sát lớp học theo mô hình VNEN ở một trường trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội). Vị hiệu trưởng trường này nhất mực là “không có chuyện bàn lùi. Đây là chủ trương của Phòng, Sở”. Dù tha thiết mong được quan sát lớp học khoảng 30 phút nhưng tôi chỉ có khoảng 10 phút tham quan. Theo lời vị hiệu trưởng là để “tránh” ảnh hưởng đến các em.
10 phút đó, cô giáo đứng lớp, học sinh, các giáo viên dự giờ đều cố gắng để thể hiện sự hăng say với mô hình. Tôi đoán rằng, các em được gọi phát biểu đều đã được “tuyển” trước. Vị hiệu trưởng cũng sắp xếp cho tôi trò chuyện ít phút với hai em là cán bộ lớp. Trong sự hồn nhiên của học sinh lớp 6, các em vẫn không giấu được niềm hãnh diện vì “làm chủ tịch hội đồng tự quản, em nói gì các bạn đều phải nghe”.
Hiệu trưởng nói “chỉ bàn tiến, không bàn lùi” là “thực hiện chủ trương”, điều đó cũng phần nào lý giải tại sao số trường “tự nguyện” áp dụng VNEN lại đội lên con số hàng nghìn như vậy.
Vừa qua, tại kỳ họp HĐND, giám đốc sở GD&ĐT ở một tỉnh phía Nam đã bày tỏ ý kiến: “Về một nội dung mà ngành giáo dục chủ trì tham mưu nhưng cũng đã khiến các lãnh đạo tỉnh, HĐND phải vất vả. Cho phép tôi xin lỗi và xin hứa sẽ có những cố gắng để việc triển khai, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục một cách tốt hơn, hiệu quả hơn trên địa bàn tỉnh”. Lãnh đạo các tỉnh, các đại biểu HĐND có thể chia sẻ nỗi niềm đó nhưng phụ huynh và hàng nghìn học sinh đã thành “vật thí nghiệm” của các vị khó có thể chấp nhận như thế.
Đặc biệt, dư luận cần một câu trả lời thỏa đáng về việc hàng nghìn trường không trong dự án lại hăng hái “tự nguyện” tham gia.
Trong một cuộc họp báo của bộ GD&ĐT năm 2016, người viết đã đặt câu hỏi trực tiếp về trách nhiệm của ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, Giám đốc dự án VNEN rằng: “Dự án VNEN được xem là phá sản. Với tư cách là giám đốc dự án, trách nhiệm của ông Phạm Ngọc Định ra sao khi triển khai rầm rộ?”. Tôi nhớ hôm đó, một vị lãnh đạo bộ GD&ĐT đã “nhanh nhẹn” trả lời giúp ông Định rằng: “Đây không phải trách nhiệm của cá nhân ai. Đây là trách nhiệm chung của chúng ta…”. Cá nhân người hỏi không thể hài lòng với câu trả lời đó và tất cả phóng viên báo chí cũng khó hài lòng với câu trả lời “trách nhiệm của tập thể” như vậy.
Tôi còn nhớ, nhiều phóng viên báo chí tại cuộc họp còn nhấn mạnh việc đem học sinh ra làm “chuột bạch, làm vật thí nghiệm” với mô hình VNEN. Lãnh đạo bộ GD&ĐT đã “chỉnh” phóng viên rằng những cụm từ “chuột bạch”, “vật thí nghiệm” là xa lạ với giáo dục, với nghề giáo. Tuy nhiên những gì Bộ đã làm lại đi ngược lại với phát ngôn đó.
Thử hỏi, việc bộ GD&ĐT áp dụng ồ ạt mô hình VNEN ở các tỉnh, thành phố và khi dự án tiêu tốn hàng chục triệu đô la Mỹ kết thúc lại đẩy cho địa phương “tự quyết” bỏ hay tiếp tục mô hình VNEN có từ nào chính xác hơn là “thí nghiệm”, là đưa học sinh, giáo viên ra làm “chuột bạch”. Làm giáo dục xin đừng kiểu “đem con bỏ chợ”, thưa Bộ trưởng!
Dư luận, hàng nghìn phụ huynh cần một câu trả lời về trách nhiệm thuộc về ai sau thất bại của cuộc “cưỡng hôn” đắt đỏ này. Và nếu đã không hiệu quả, bộ GD&ĐT còn ngại ngần gì không bỏ việc áp dụng mô hình VNEN?
Đỗ Thơm