UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức họp đánh giá kết quả áp dụng mô hình trường học mới VNEN. Sau khi nghe báo cáo, đánh giá mặt tích cực và hạn chế, tiếp thu những ý kiến kiến nghị, đề xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã có Công văn số 4885/UBND-KGVX ngày 4/8/2017, quyết định dừng triển khai mô hình trường học VNEN đối với bậc trung học cơ sở (THCS), trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành bắt đầu từ năm học mới 2017 - 2018.
Công văn nêu rõ, đối với bậc tiểu học, tỉnh không triển khai thêm các lớp học mới VNEN. Với những lớp đang học chương trình này, tỉnh giao chủ tịch các huyện, thành phố, thị xã rà soát, đánh giá tổng số học sinh mỗi lớp học không quá 30 em; cơ sở vật chất lớp học đáp ứng quy định của bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); giáo viên phải được tập huấn, đủ tiêu chuẩn dạy VNEN. Nếu các lớp ở bậc này đủ điều kiện nêu trên, nhà trường sẽ lấy ý kiến tự nguyện của phụ huynh và giáo viên, tổ chức hội nghị bỏ phiếu kín. Đối với các lớp học đạt 2/3 phiếu đồng ý theo các tiêu chí vừa nêu, cấp trên phải báo cáo sở GD&ĐT cho phép tiếp tục triển khai mô hình VNEN.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị liên quan lựa chọn những thành tố tích cực, ưu điểm của mô hình VNEN, vận dụng đưa vào chương trình ngoại khóa giảng dạy trong các trường học thời gian tới.
Theo tìm hiểu, từ năm học 2012 - 2016, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 129/267 trường ở bậc tiểu học (với 945 lớp, 24.539 học sinh) và 23 trường (với 125 lớp) ở bậc THCS theo học mô hình VNEN. Tuy nhiên, sau khi triển khai, mô hình trường học mới này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều bất cập xảy ra trong quá trình triển khai đã khiến một số trường chủ động đề xuất xin bỏ mô hình.
Tháng 7/2016, tỉnh Hà Tĩnh thông báo dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN, chỉ tiếp tục triển khai ở những lớp, trường đã thí điểm trong các năm học trước; đồng thời yêu cầu sở GD&ĐT tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các cá nhân trong công tác tham mưu, triển khai đại trà mô hình này.
Theo ông Nguyễn Khoa Văn, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá mô hình học mới VNEN, qua khảo sát hội đồng đánh giá thấy nhiều tồn tại và khó khăn, mô hình chưa tương thích trong quá trình áp dụng ở địa bàn Hà Tĩnh.
Trong thời điểm đưa mô hình học mới vào giảng dạy, đội ngũ giáo viên chưa chuẩn bị đầy đủ về công tác tập huấn, bồi dưỡng để dạy học nên còn máy móc, thiếu linh hoạt. Ở một số trường, năng lực giáo viên hạn chế, kiến thức còn lạc hậu, chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong đổi mới phương pháp dạy học.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở các trường học chưa đảm bảo, khi hầu hết các lớp đang kiến thiết dạy học theo kiểu truyền thống, diện tích phòng học chật hẹp, số học sinh đông không phù hợp với tổ chức học theo nhóm, khó khăn trong việc quản lý học sinh của giáo viên. Các lớp học chú trọng trang trí về nhiều hình thức, rập khuôn, một số lớp cho đập bục giảng..., gây lãng phí, rườm rà trong lớp học, không đúng quan điểm của VNEN.
Ngoài ra, sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn học đang viết phục vụ thử nghiệm chưa được thẩm định, đánh giá chất lượng... Đa số bộ phận phụ huynh vẫn còn tâm lý phó mặc hướng dẫn học của con em mình cho giáo viên, nên việc yêu cầu học ở nhà dưới sự hướng dẫn của phụ huynh không hiệu quả.
Mặt khác, mô hình học VNEN chỉ đánh giá học sinh thông qua nhận xét, không chấm điểm là không phù hợp, gây áp lực lớn cho giáo viên ở THCS dạy nhiều lớp khác nhau, phụ huynh lo cho con em mình khi chế độ thi cử còn dựa trên điểm số.
Ngân Hà