Với thứ này, Nga mới là bên quyết định số phận “Rồng lửa” S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ 2, 30/09/2024 06:00

Đây là yêu cầu bắt buộc của các hiệp ước kiểm soát vũ khí, nên Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp khó khăn trong việc chuyển giao S-400 mua từ Nga cho một quốc gia khác.

Mỹ đã không giấu diếm ý định làm thế nào để đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ "chuyển giao" cho mình hệ thống phòng không S-400 Triumf do Nga sản xuất. Đầu tháng này, có báo cáo rằng Washington đã đề nghị đặt "Rồng lửa" dưới sự kiểm soát của căn cứ quân sự của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Các lựa chọn khác được đưa ra bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho một quốc gia thứ ba. Cũng có thông tin cho rằng Ankara có thể cung cấp Triumf cho Ukraine.

Tuy nhiên, không có lựa chọn nào trong số những phương án kể trên có khả năng được Moscow chấp thuận, do sự ràng buộc của loại tài liệu được gọi là "giấy chứng nhận người dùng cuối" (EUC) – vốn là một phần không thể thiếu của hợp đồng cung cấp vũ khí, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin hôm 28/9.

Với thứ này, Nga mới là bên quyết định số phận “Rồng lửa” S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc gặp tại Sochi, Nga, ngày 4/9/2023. Ảnh: Straits Times

Theo hãng tin Nga, do "giấy chứng nhận người dùng cuối" (EUC) – là yêu cầu bắt buộc của các hiệp ước kiểm soát vũ khí khi bán các hệ thống tiên tiến như vậy, nên Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp khó khăn trong việc chuyển giao S-400 cho một quốc gia khác.

Đáng nói, Washington không phải là bên duy nhất ủng hộ một đề xuất như vậy đối với "Rồng lửa" của quốc gia liên lục địa Á-Âu.

Hồi tháng 8, doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ Cavit Caglar, người từng giữ chức Bộ trưởng vào đầu những năm 1990, đã đề xuất rằng Ankara nên từ bỏ S-400 – và tìm một bên mua nước ngoài, có thể là Ấn Độ hoặc Pakistan – và động thái như vậy có thể giành được thiện cảm của Washington.

Tất cả đều cần được chính phủ Nga đồng ý, và rõ ràng là việc chuyển giao S-400 cho Ukraine sẽ không được chấp thuận. Ngay cả việc bán hệ thống này cho Ấn Độ – quốc gia vốn cũng đã mua nền tảng này – có thể cũng không khả thi.

Trên thế giới, "giấy chứng nhận người dùng cuối" (EUC) được nhiều chính phủ sử dụng phổ biến như một cách để hạn chế dòng vũ khí chảy đến "các quốc gia không mong muốn".

"Các hợp đồng vũ khí đều có đoạn về chứng nhận người dùng cuối", Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết khi phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi ông tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) khóa 79 tại New York, Mỹ, hôm 28/9.

"Để làm điều gì đó khác với các sản phẩm được giao theo một chứng nhận như vậy, trong đó đề cập đến quốc gia đã nhận những vũ khí này là người dùng cuối, thì cần có sự đồng ý của quốc gia đã bán những vũ khí này", ông Lavrov giải thích.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thêm rằng "không có gì để bình luận" khi ông được hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, mua nền tảng phòng không do Nga sản xuất (S-400).

Ông Lavrov cũng ca ngợi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, người đã tái đắc cử một cách sít sao vào năm ngoái.

"Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một chính khách giàu kinh nghiệm. Ông ấy đưa ra quyết định về mọi vấn đề vì lợi ích của người dân và đất nước mình", Ngoại trưởng Nga nói.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã dẫn đến việc Ankara bị loại khỏi chương trình Chương trình Máy bay chiến đấu tấn công chung F-35 (JSF) của Mỹ.

Minh Đức (Theo National Interest)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.