Vụ nghi ăn nhầm so biển: Tích cực điều trị cho các bệnh nhân

Vụ nghi ăn nhầm so biển: Tích cực điều trị cho các bệnh nhân

Nguyễn Thị Hoà

Nguyễn Thị Hoà

Thứ 2, 06/02/2023 14:12

3 bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì nghi ăn nhầm so biển đang được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tích cực điều trị. Trong đó, 2 bệnh nhân sức khỏe đã ổn định.

Ngày 6/2, tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh viện vẫn đang tích cực điều trị cho 3 bệnh nhân nghi ngộ độc khi ăn sam biển ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nghi vấn ban đầu, những người này đã ăn nhầm con so biển (có hình dáng rất giống con sam).

TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, khoa tiếp nhận 3 bệnh nhân, trong đó 1 bệnh nhân đã ổn và chuyển về Khoa Nội tổng hợp thần kinh.

Hiện tại, bệnh nhân N.P.Q (sinh năm 2004) cũng đã ổn định. Riêng bệnh nhân N.V.S (sinh năm 1989) đang hôn mê sâu, thở máy và dùng thuốc vận mạch, tiên lượng nặng; khoa đang tích cực điều trị cho bệnh nhân.

Đang điều trị tại đây, bệnh nhân N.P.Q cho biết: “Em chỉ ăn một muỗng nhưng bị tê lưỡi, tê môi, tê tay; đến khi vào viện thì tê toàn thân. Trước đây, em cũng đã ăn con sam rồi nhưng không phân biệt được con sam với con so”.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 3 bệnh nhân nói trên từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa chuyển vào. Trong đó, bệnh nhân S. vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vào khoảng 2h30 ngày 5/2, còn 2 bệnh nhân còn lại vào viện lúc 3h cùng ngày.

Sức khỏe - Vụ nghi ăn nhầm so biển: Tích cực điều trị cho các bệnh nhân

Bệnh nhân trong vụ nghi ăn nhầm so biển đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Qua sự việc trên, các bác sĩ cũng khuyến cáo một số vấn đề khi ăn các loài hải sản. Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ cho biết: “Hàng năm, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp ngộ độc những loài hải sản như thế này, đặc biệt từ tháng 2 đến tháng 7 là mùa sinh sản. Những loài chúng tôi hay tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc gồm con so, ốc bùn móng, ốc răng cưa, cá nóc, cua mặt quỷ… Đặc điểm chung của các tác nhân này là ngộ độc chất tetrodotoxin, tác động lên thần kinh”.

Theo bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ, đối với người dân, điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao năng lực nhận diện những loài hay gây ngộ độc là loài nào để biết. Đối với những loại hải sản nào lạ, không biết thì không nên ăn. Những loại chết, ương, thiu thì không nên ăn vì độc tố sẽ càng nhiều hơn.

“Trong trường hợp này, con so với con sam khó phân biệt nên khuyến cáo là người dân không nên ăn. Nếu không phân biệt được thì sẽ rất nguy hiểm vì đôi khi chỉ ăn nhầm một chút thôi cũng đã có triệu chứng, nặng hơn là sẽ ức chế hô hấp và bệnh nhân sẽ ngừng tim, ngừng thở, nguy hiểm tính mạng của mình”, bác sĩ Kỷ khuyến cáo.

Như tin đã đưa, theo thông tin ban đầu, vào lúc 21h ngày 4/2, nhân viên cùng chủ một quán ăn (khoảng 10 người) trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã hấp 2 con sam biển để ăn. Sau khi ăn khoảng 30 phút, 3 người nói trên có biểu hiện tê đầu lưỡi, tê các ngón tay và nôn.

Chủ quán đã đưa 3 người này vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa cấp cứu nhưng tiên lượng nặng. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa đã chuyển 3 bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Trên đường đưa 3 bệnh nhân đi chuyển viện thì ông N.V.S ngưng tim, ngưng hô hấp nhưng được các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu kịp thời.

Hiện, Công an thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Châu Tường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.