Xây dựng giáo dục Thủ đô không bạo lực, ép buộc học thêm

Thứ 3, 12/11/2024 15:26

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, với vị trí đầu tàu, ngành giáo dục Hà Nội phải hướng đến nền giáo dục thanh lịch, phát triển.

Sáng nay 12/11, lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành giáo dục - đào tạo Thủ đô (1954 - 2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam đã được tổ chức. Nhân dịp này, ngành giáo dục Hà Nội được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. 56 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú.

Báo cáo thành tích thời gian qua, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết Thủ đô là địa phương đầu tiên, hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 1990 và hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 1999.

Năm 2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng dẫn đến quy mô giáo dục của Hà Nội trở nên lớn nhất cả nước với gần 2.600 cơ sở giáo dục từ mầm non tới hết phổ thông và gần 1,8 triệu học sinh.

Sau 16 năm sáp nhập, giáo dục Hà Nội giữ vị thế dẫn đầu cả nước về giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài. Học sinh Hà Nội giành 2.200 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế lớn ở các môn toán và khoa học tự nhiên.

Ông Trần Thế Cương đánh giá những thành tích, vinh dự của ngành giáo dục Thủ đô có phần đóng góp công sức rất lớn của các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã và đang miệt mài, thầm lặng, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".

Xây dựng giáo dục Thủ đô không bạo lực, ép buộc học thêm- Ảnh 1.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

"Chính các nhà giáo đã tạo dựng nền móng thành công của các thế hệ học trò, đặt dấu ấn quan trọng, góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục", ông Cương phát biểu.

Gửi lời chúc mừng, đồng thời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá đến ngành giáo dục Tp.Hà Nội luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành. Hiện nay, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130 nghìn giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh.

"Những thành quả của giáo dục Thủ đô đạt được trong 70 năm qua sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà để tiếp tục phát triển, vượt qua những thách thức mới, sứ mệnh mới để đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ trưởng đánh giá, với tư cách là một đơn vị trụ cột của ngành giáo dục cả nước, Hà Nội cũng đang đối mặt với những thách thức và cơ hội chung của toàn ngành giáo dục.

Một trong những thách thức lớn là cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới, với nhiều yêu cầu mới của đất nước, trong bối cảnh khoa học công nghệ, phát triển nhanh chóng, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực đa dạng và biến đổi không ngừng.

Xây dựng giáo dục Thủ đô không bạo lực, ép buộc học thêm- Ảnh 2.

Ngành giáo dục Hà Nội được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đứng trước giai đoạn phát triển mới, ông Nguyễn Kim Sơn lưu ý ngành giáo dục Hà Nội cần phát huy tốt nhất những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cũng đề nghị nghiên cứu phát triển nền giáo dục Hà Nội là hướng đến một nền giáo dục thanh lịch.

Nền giáo dục thanh lịch là nền giáo dục mà sự tôn nghiêm của nhà giáo được xem trọng, không có bạo lực học đường, không ép buộc học thêm, giảm khoảng cách giữa giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất.

"Một nền giáo dục thanh lịch, hướng tới chuẩn quốc tế mới tạo dựng được con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, hội nhập", ông Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.