Xóa bỏ ranh giới học tập từ mô hình giáo dục đại học số

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 3, 19/11/2024 14:00

Không phát triển một cách riêng lẻ, giáo dục đại học số sẽ giải quyết nhiều bài toán liên quan đến đào tạo nhân lực hiện nay.

Mô hình giáo dục đại học số được quy định chính thức trong Quyết định số 146 của Thủ tướng về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là "Hoàn thiện mô hình giáo dục đại học số và thí điểm triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học".

Đề án mô hình thí điểm giáo dục đại học số không đơn thuần là chuyển đổi số cho một trường đại học, đổi mới quản trị hay dạy học trực tuyến. Đề án này nhằm mục tiêu xây dựng một mô hình mà các trường đại học chia sẻ với nhau về nguồn lực, về những khóa học, môn học tốt nhất của mình.

Khi đó, với một môn học, không chỉ có sinh viên của một trường sử dụng mà sẽ được sinh viên của nhiều trường sử dụng. Sinh viên của một trường có thể học thầy cô của nhiều trường.

Là một trong 5 trường đại học trên cả nước đang thí điểm mô hình giáo dục đại học số, trao đổi với Người Đưa Tin PGS.TS.Ngô Quốc Dũng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đánh giá mô hình giáo dục đại học số phải được phát triển thành một nền tảng, dễ ứng dụng và nhân rộng.

3 giai đoạn triển khai giáo dục đại học số

Theo Ngô Quốc Dũng, mô hình giáo dục đại học số của PTIT đang được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, PTIT thực hiện chuẩn hóa và thu thập dữ liệu. Mọi quy trình nghiệp vụ chuẩn của một trường đại học truyền thống, giờ đây đã được đưa lên môi trường số để thao tác. Với yêu cầu dữ liệu phải đáp ứng đủ 4 tính chất đúng- đủ - sạch- sống.

"Đây là giai đoạn quan trọng và mất nhiều thời gian nhất. Với bước này, chúng tôi đã mất khoảng hơn 3 năm, để có thể triển khai thành nền tảng đại học số. Nhưng đây chưa phải nền tảng thông minh, mà mới chỉ ở mức giai đoạn đầu của chuyển đổi số", ông Ngô Quốc Dũng cho hay.

Xóa bỏ ranh giới học tập từ mô hình giáo dục đại học số- Ảnh 1.

PGS.TS.Ngô Quốc Dũng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Từ đầu năm 2024, PTIT bước sang giai đoạn thứ hai, khi nền tảng đã xây dựng là cơ sở giúp hỗ trợ ra quyết định cho tất cả các lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động, giảng viên, sinh viên,…trong nhà trường.

Điều này giúp người quản lý biết được quy trình vận hành của trường đang diễn ra như thế nào; Các phòng chuyên môn, có thể quản lý được hoạt động dạy học của giảng viên; Đối với sinh viên biết đường tiến trình học tập và từ đó có lộ trình tiếp theo,… Nghĩa là dựa trên dữ liệu liên thông sẵn có để hỗ trợ ra quyết định cho phù hợp, kịp thời.

Giai đoạn thứ ba, dự kiến sẽ thực hiện từ giữa năm 2025 trở đi, khi tất cả các giai đoạn đã đạt đủ chỉ số đánh giá, PTIT sẽ quay ngược lại tối ưu hóa, sao cho bộ máy tinh gọn hiệu quả hơn.

Không phát triển riêng lẻ

Trước câu hỏi làm thế để mô hình giáo dục đại học số được nhận rộng, ông Ngô Quốc Dũng nhận định, đây là vấn đề lớn cần sự quan tâm, đầu tư, nghiên cứu trên bình diện quốc gia, không phải chỉ riêng lẻ từng trường đại học.

Đầu tiên, chuyển đổi số muốn tốt và toàn diện, phải giải quyết bài toán xây dựng được quy chuẩn chung về mặt kỹ thuật, mô hình, cách thức chuyển đổi số như thế nào, từ đó có thể hướng dẫn các cơ sở giáo dục.

Điều này không dễ, trong bối cảnh các trường đại học được quyền tự chủ và có những hoạt động riêng. Bên cạnh đó, không phải cơ sở nào cũng có khả năng thực hiện, đủ kiến thức chuyên sâu về chuyển đổi số.

"Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT ban hành nhiều văn bản hướng dẫn xây dựng một kho dữ liệu chung, nổi bật nhất là hệ thống thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Điều này, giúp tạo ra nền tảng đầu tiên để lưu trữ thông tin chuẩn. Khi có cái thống nhất, cái riêng sẽ mờ đi, từ đó các trường biết được rằng mình phải làm gì", ông Ngô Quốc Dũng chia sẻ.

Xóa bỏ ranh giới học tập từ mô hình giáo dục đại học số- Ảnh 2.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hướng tới là trường đại học hàng đầu Việt Nam về chuyển đổi số.

Chuyển đổi mô hình giáo dục đại học số không chỉ có trách nhiệm của từng trường, mà rất cần vai trò dẫn dắt của những đầu tàu như Bộ GD&ĐT và các doanh nghiệp viễn thông.

Ông Ngô Quốc Dũng bày tỏ: "Với kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng sẵn có, các doanh nghiệp nên quan tâm xây dựng nền tảng đại học số chung cho Việt Nam, dưới sự dẫn dắt chuẩn hóa của Bộ GD&ĐT.

Phân khúc này đang bị bỏ ngỏ, phát triển riêng rẽ. Chúng ta không xây dựng hệ thống cho cho trường A hay trường B, mà phải phát triển một nền tảng đại học số".

Nền tảng đại học số tương lai

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện nhận thấy, sự khác biệt lớn nhất của nền tảng đại học số ở chỗ, khi muốn chuyển đổi, các trường không phải xây dựng lại từ đầu. Thay vào đó, dựa vào biểu mẫu, nền tảng có sẵn, nhà trường có thể tự điều chỉnh theo nhu cầu của mình.

Khi xây dựng nền tảng, cũng tránh việc phụ thuộc giữa trường đại học và đơn vị cung cấp phần mềm, việc chuyển giao cũng sẽ được đơn giản hoá.

Ở đây, ông Dũng kỳ vọng nền tảng này sẽ trở thành hiện thực trong 4-5 năm tới, bởi điều này sẽ giải quyết rất nhiều bài toán không chỉ cho các trường đại học, mà cho cả Việt Nam.

Xóa bỏ ranh giới học tập từ mô hình giáo dục đại học số- Ảnh 3.

Khi triển khai mô hình đại học số người hưởng lợi chính là sinh viên.

Khi có mô hình như vậy, cơ sở giáo dục đại học có thể tối ưu về mặt chi phí. Ngoài ra, về dữ liệu, dưới sự cho phép của các trường, sự đồng thuận của cơ quan quản lý Nhà nước, toàn bộ thông tin sẽ được liên thông theo thời gian thực.

Từ đó giúp cho cơ quan quản lý có bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực, thực trạng đào tạo cho địa phương, thị trường lao động. Đây cũng là cơ sở để đưa ra những quyết định phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

"Chỉ riêng câu chuyện đào tạo, các trường vẫn chỉ thuần túy theo xu thế ở thời điểm hiện tại, mà không biết được diễn biến trong tương lai, để điều chỉnh phù hợp. Đây sẽ là một trong những bài toán mà mô hình giáo dục đại học số có thể giải quyết", ông Ngô Quốc Dũng chia sẻ.

Thay đổi từ hôm nay

Ông Dũng đánh giá, khi có nền tảng đại học số, mọi thông tin được công khai, minh bạch, đòi hỏi các trường phải có dịch vụ học tập cung cấp cho xã hội chất lượng, độc đáo. Từ đây, sinh viên sẽ nhận lại được dịch vụ đào tạo tốt hơn, đồng nghĩa trình độ năng lực của người học cũng được nâng cao, gắn với nhu cầu của thị trường.

Chuyển đổi số cũng giúp cho lãnh đạo bao quát được quá trình vận hành, nhận xét phản hồi của người học đối với chương trình, đánh giá cán bộ giảng viên,…

"Dựa trên điều đó, nhà trường đưa ra chiến lược đào tạo đội ngũ giảng viên, cách thức quản lý, thay đổi chương trình đào tạo sát với thực tế hơn. Khi chất lượng đào tạo tốt, thì sinh viên chính là người được thụ hưởng dịch vụ", vị đại diện chia sẻ.

Xóa bỏ ranh giới học tập từ mô hình giáo dục đại học số- Ảnh 4.

Sinh viên được học tập trong môi trường số sẽ đáp ứng yêu cầu về năng lực.

Ông Ngô Quốc Dũng nhận thấy mặc dù các trường đều đang mong muốn chuyển đổi số nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Nổi bật trong số đó là, vẫn chưa có một doanh nghiệp nào đủ tầm để dẫn dắt việc chuyển đổi số, khiến các trường vẫn phải tìm các đơn vị nhỏ lẻ.

Thứ hai, không phải trường nào cũng đủ năng lực về kỹ thuật và nhận thức đầy để về quá trình chuyển đổi.

"Chúng ta mới chỉ hiểu ứng dụng công nghệ thông tin đầy đủ là chuyển đổi số, nhưng không biết những cái đang thực hiện, chỉ một vài năm sẽ bị thay thế. Điều đó làm mục tiêu của chuyển đổi số giảm đi", chuyên gia đánh giá.

Theo Bộ GD&ĐT, giáo dục đại học số (digital higher education) có thể coi là một đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong đó có nguồn nhân lực công nghệ số.

Bộ GD&ĐT đánh giá giáo dục đại học số chính là một giải pháp tối ưu hóa ở cấp độ hệ thống giáo dục đại học trên cơ sở mô hình chia sẻ tài nguyên số và cộng tác cung cấp dịch vụ chung.

Giáo dục đại học số không đơn thuần là đào tạo trực tuyến, bởi đào tạo trực tuyến mới chỉ dừng lại ở thay đổi phương tiện cung cấp dịch vụ đào tạo và ở cấp

độ môn học, cấp độ chương trình đào tạo. Giáo dục đại học số không chỉ là

đại học số (digital university), bởi đại học số chỉ dừng ở cấp độ một cơ sở đào tạo.

Giáo dục đại học số là một mạng lưới cung cấp và sử dụng dịch vụ giáo dục đại học trên một vài nền tảng chung, có phạm vi bao trùm cả hệ thống giáo dục đại học, vượt ra ngoài biên giới của một trường đại học, thậm chí vượt qua biên giới

của một quốc gia.

Trong giáo dục đại học số, tất cả các trường đại học, tất cả giảng viên có thể tham gia sử dụng chung một nền tảng để cùng phát triển các khóa học, các chương trình đào tạo, để cùng sử dụng, cùng chia sẻ lợi ích. Mỗi trường đại học, mỗi giảng viên sẽ tập trung phát triển những khóa học mà mình có lợi thế vượt trội, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Một khóa học không chỉ cung cấp cho sinh viên của một khoa, một trường, mà có thể cho sinh viên toàn quốc, thậm chí cho cả sinh viên quốc tế. Đó là đột phá về hiệu quả đào tạo của giáo dục đại học số.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.