Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu gừng, nghệ và gia vị khác trong 6 tháng đầu năm đạt 17.280 tấn với kim ngạch đạt 33 triệu USD, giảm 33,6% về lượng nhưng tăng 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, báo Công Thương đưa tin.
Các thị trường xuất khẩu chính của gừng, nghệ Việt Nam bao gồm Ấn Độ đạt 6.635 tấn, chiếm 38,4%, Bangladesh đạt 3.561 tấn chiếm 20,6%, Indonesia đạt 1.396 tấn, chiếm 8,1%.
Hiện nay, nước ta đứng thứ 3 thế giới về cung cấp và chế biến gia vị sau Ấn Độ và Trung Quốc, toàn ngành gia vị Việt Nam có 14 nhà máy có trình độ công nghệ chế biến sâu.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu, quế, hồi, ớt, đậu khấu, gừng, nghệ… đạt 1,257 tỷ USD. Trong đó riêng xuất khẩu gừng nghệ và một số gia vị khác đạt 34.976 tấn với trị giá xuất khẩu đạt 49,3 triệu USD, tăng mạnh 222,4% so với năm 2022.
Đối với củ gừng, mặt hàng này tuy quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại rất được săn lùng và được giá. Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được coi là "thủ phủ" gừng của Việt Nam. Nhờ khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, gừng Kỳ Sơn có chất lượng vượt trội và hương vị đậm đà đặc biệt so với gừng ở những nơi khác. Giống gừng Kỳ Sơn là giống gừng bản địa, gồm 2 loại chính gồm: gừng sừng trâu và gừng dé.
Gừng Việt Nam thường được xuất khẩu dưới dạng đông lạnh, ngoài ra gừng chế biến của Việt Nam cũng được tiêu thụ khá mạnh, thường được dùng để làm gia vị và được sử dụng để hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa, giảm buồn nôn, giúp chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường. . Đặc biệt, mứt gừng là sản phẩm rất được ưa chuộng tại các nước xứ lạnh. Ngoài chất lượng thơm, ngon, gừng Việt giá cũng rẻ hơn so với hàng nội địa tại các nước.
Nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ, và dù phổ biến tại Việt Nam là vậy nhưng đây lại là một loại củ gia vị hiếm có khó tìm trên thế giới, chỉ có tại một số quốc gia nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Nigeria.
Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích trồng nghệ lớn nhất thế giới, với hơn 50.000 ha (tính đến năm 2021), chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông...
Đối với nghệ, tinh bột nghệ là mặt hàng được nhiều quốc gia săn đón nhất. Tinh bột nghệ của Việt Nam được đánh giá có màu sắc đẹp, mùi thơm dễ chịu, không có vị đắng của nghệ, không chứa tạp chất và hóa chất bảo quản.
Ngoài ra giữ nguyên được hàm lượng curcumin trong nghệ, là hoạt chất có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Curcumin có khả năng chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ gan, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện trí nhớ và làm trắng da.
Dù có nhiều lợi thế nhưng xuất khẩu gia vị của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức.
5 năm qua, sản lượng hồ tiêu đã giảm nghiêm trọng do tình trạng phá bỏ cây. Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo sản lượng hạt tiêu năm nay có thể giảm khoảng 10-15%, xuống còn 160.000-165.000 tấn. Sản lượng hoa hồi cũng đang gặp khó khăn với diện tích trồng manh mún và thiếu quy hoạch.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, nếu tiếp tục xu hướng giảm này, ngành gia vị Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh rất lớn khi Brazil có sự bứt phá trong 5 năm gần đây, từ mức 80.000 tấn năm 2018, dự báo có thể đạt 100.000 tấn năm 2024 (xuất khẩu đạt 80.000 tấn năm 2023).
"Vì vậy mọi nỗ lực và hỗ trợ cần được tập trung cho cây hồ tiêu để đảm bảo giữ diện tích và sản lượng ổn định, Việt Nam tiếp tục giữ thế chủ động, có vai trò điều tiết giá thị trường thế giới như hiện nay. Từ đó cũng tạo điều kiện và có nguồn lực để hỗ trợ các cây gia vị khác rất có tiềm năng nhưng chưa được quan tâm đầu tư tương ứng để bứt phá như cây quế, cây hồi", Vietnam+ dẫn lời bà Hoàng Thị Liên.
Bên cạnh đó, bà Hoàng Thị Liên kiến nghị cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi: giảm bớt các thủ tục hành chính, bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư.
Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành gia vị thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong quy trình sản xuất, sản phẩm và quản lý.
Bà Liên nói thêm, nhà nước cần quan tâm xem xét hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến thông qua hình thức cho vay vốn ưu đãi ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ, hoặc trợ cấp một phần (30-50%) chi phí đầu tư (như các nước Ấn Độ, Sri Lanka) theo hình thức đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) để dần hình thành chuỗi giá trị gia vị Việt Nam trong ngành gia vị thế giới.
Minh Hoa (t/h)