Ngày 12/12, lãnh đạo viện Pasteur TP.HCM xác nhận, từ tháng 4 - 8/2017, Viện thu thập 150 mẫu thịt gia súc, gia cầm tươi sống bao gồm 2 mẫu thịt vịt, 58 mẫu thịt gà, 90 mẫu thịt heo được bán tại các chợ trên địa bàn 5 tỉnh thành phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa –Vũng Tàu và Bình Phước để nghiên cứu về tình hình an toàn thực phẩm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các mẫu thịt này đều nhiễm khuẩn vượt quá giới hạn cho phép: Các mẫu thịt trên đều nhiễm vi khuẩn Ecoli.
Đồng thời, viện Pasteur cũng lấy 147 mẫu thủy, hải sản tươi sống sau nghiên cứu đã phát hiện 94/147 mẫu (chiếm 63,9%) nhiễm vi khuẩn Ecoli. Đặc biệt, có 24 mẫu nhiễm khuẩn Ecoli mức độ nặng.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đỗ Huy Minh Nhật, tác giả công trình nghiên cứu này cho biết, nguyên nhân các mẫu thịt, thủy hải sản nhiễm khuẩn Ecoli chủ yếu là do điều kiện vệ sinh kém, từ khâu giết mổ thịt gia súc gia cầm đến nơi bày bán thịt, thủy hải sản, nguồn nước...
Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng viện Pasteur, kết quả nghiên cứu chỉ mang tính chỉ điểm về tình trạng an toàn vệ sinh trong giết mổ. Để khách quan hơn, cần có nghiên cứu rộng rãi và đầy đủ hơn để đánh giá tổng thể. Thông thường, vi khuẩn Ecoli sống trong đường ruột của người và động vật, hầu hết đều vô hại, nhưng một vài chủng có thể gây tiêu chảy.
Liên quan đến thông tin trên, ông Trảo An Hà, Trưởng trạm Thú y quận Thủ Đức (TP.HCM) khẳng định với PV: “Hiện, việc kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn quận do ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố trực tiếp quản lý. Trước kia, việc này được giao cho cán bộ thú y kiểm tra. Qua quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy việc kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại các chợ vẫn được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, qua những lần đi trực tiếp các chợ lấy mẫu thịt, chúng tôi vẫn thường xuyên phát hiện các mẫu thịt nhiễm khuẩn Ecoli”.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, các mẫu thịt heo được bán tại chợ bị nhiễm khuẩn Ecoli mà viện Pasteur nghiên cứu là có thật nhưng kết quả nghiên cứu không mới.
Từ đó, chưa thể khẳng định được toàn bộ thịt heo bị nhiễm khuẩn, nó chỉ là một khảo sát nghiên cứu nhỏ. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy vẫn còn những bất cập trong các khâu quản lý. Và, cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa trong hoạt động giết mổ gia súc gia cầm, việc kinh doanh thịt tươi trong các chợ.
“Để nâng cao vấn đề an toàn thực phẩm, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm công nghiệp. Những điểm kinh doanh gia súc gia cầm trong chợ truyền thống nói chung và thịt tươi sống trên địa bàn TP. nói riêng cần được quận, huyện sớm thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, TP cũng cần tăng cường lấy mẫu thịt kinh doanh trên địa bàn để xét nghiệm, nếu vi phạm thì xử phạt đúng quy định pháp luật. Hiện, ban Quản lý an toàn thực phẩm đang xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, bao gồm từ khâu nuôi trồng, chế biến, đến giết mổ”, bà Lan thông tin.
Thông tin với PV, bác sĩ Lê Văn Hảo (bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho biết, vi khuẩn Ecoli thuộc họ Enterobacteriaceae, phần lớn không gây bệnh và thuộc hệ vi sinh vật đường ruột. Một số chủng Ecoli sinh độc tố, có khả năng gây tiêu chảy và các bệnh lý khác như nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu...