Điểm danh 2 loại rau quen thuộc ít "tắm'' thuốc trừ sâu
Lá mơ
Đây là một loại rau quen thuộc và vô cùng tốt đối với sức khỏe. Lá mơ lông có tên khoa học là Paederia tomentosa, thuộc họ Cà phê. Loại lá này còn có các tên gọi dân gian khác nhau như mơ tam thể, thúi địch, rau mơ, ngũ hương đằng.
Lá mơ lông thuộc loại cây dây leo còn được gọi là dây mơ lông vì cả hai mặt của lá đều có lông và rất mịn, lá mọc đối xứng, có hình trứng. Thường thì có hai loại là lá mơ tía (mặt dưới lá có màu tía) và lá mơ xanh. Cây dễ mọc hoang, dễ trồng vì có khả năng thích nghi với môi trường khá tốt.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong lá mơ có chứa alkaloid (a-paederin và b-paederin), protein, caroten và các axit béo. Tinh dầu có thành phần có dây nối là disulfide methyl mercaptan mang mùi đặc trưng. Chính nhờ các thành phần trên mà lá mơ hoạt động giống như một loại thuốc kháng sinh và kháng viêm.
Rau rút
Người dân Việt Nam đã quá đỗi quen thuộc với rau rút, đặc biệt là những vùng có nhiều ao hồ, từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh những cây rau rút nổi trên mặt nước, những chiếc lá giống cây xấu hổ và phần thân được bao bọc bởi lớp "phao bơi" màu trắng xốp nhẹ nhìn bắt mắt.
Đặc biệt cứ mỗi khi hè về, người ta lại rủ nhau ra chợ tìm mua rau rút để làm những món canh giải nhiệt, bởi rau rút không chỉ ngon mà còn mang lại cảm giác thanh mát, sảng khoái giữa cái nắng oi bức.
Rau rút khá thân thiện với sức khỏe con người do chứa nhiều vitamin A, C, giàu canxi, hàm lượng protein cao, hỗ trợ an thần và dễ ngủ… Đặc biệt trong Đông y, rau rút tính hàn, vị ngọt, không độc có tác dụng dưỡng vị âm, sinh tân dịch làm mát gan phổi, an thần chữa chứng tim hồi hộp, làm thông huyết mạch, điều hòa tỳ vị, thông thủy đạo, lợi tiểu tiện, tiêu viêm, nhuận tràng, hạ sốt, chữa lỵ, bướu cổ, côn trùng cắn.
Nhiều vùng miền mùa hè không thể thiếu món canh chua rau rút, nấu với quả sấu xanh. Chỉ cần phi thơm hành khô hoặc đầu hành thái nhỏ, thêm thịt bằm và sấu vào xào, nêm nếm gia vị cho vừa, rồi thêm nước. Khi nước sôi và sấu chín mềm, dầm sấu ra để tạo vị chua rồi cho rau rút vào. Rau chín tái là có thể múc ra bát, tránh để lâu kẻo rau bị vàng và mất độ giòn ngọt vốn có. Món canh này không chỉ đơn giản, dễ làm mà còn mang lại cảm giác mát lành, thanh khiết cho những bữa cơm ngày hè.
Loại rau này không chỉ được ưa chuộng ở Việt Nam mà cả các nước tiểu vùng sông Mê Kông như Thái Lan, Campuchia, theo Dân Việt.
Cách phân biệt và lựa chọn rau sạch, không phải ai cũng biết
Thực tế rau là một nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình. Khi đi mua rau, nhiều người lo lắng rau củ sẽ bị phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật. Bằng mắt thường, người mua khó có thể nhận biết được đâu là loại rau củ sạch để lựa chọn. Vậy, đi chợ cần bỏ túi những mẹo hay sau để chọn được rau sạch, ít ''tắm'' hóa chất:
- Quan sát màu sắc: Chỉ với cách đơn giản này bạn sẽ chọn được thực phẩm tươi ngon cho gia đình. Thông thường loại rau được phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sẽ có màu xanh hạt hơn so với bình thường.
- Nhìn kích thước: Nếu quan sát kỹ sẽ thấy rau có chất kích thích, thuốc trừ sâu nhiều sẽ có kích thước lớn hoặc nhỏ hơn so với bình thường rất rõ rệt.
- Chú ý mùi vị: Khi chế biến rau lên bạn thấy rau có màu, mùi lạ hay nước có màu lạ thì nên bỏ ngay.
Mách bạn phương pháp làm sạch rau bằng nước muối
Từ lâu rửa rau quả bằng nước muối gần như là một phương pháp phổ biến. Theo đó, khi rửa rau bằng nước muối nhạt 1% - 3% không chỉ loại bỏ được một số loại thuốc trừ sâu mà còn loại bỏ được các loại côn trùng ẩn náu trong các khe kẽ hoặc các đường gân trên mặt sau của lá. Chẳng hạn như cải thảo, bắp cải và các loại rau khác, bạn có thể dùng tay tách các loại rau này thành từng lá trước khi nấu, sau đó ngâm trong nước muối một thời gian.
Lưu ý khi ngâm rau tốt nhất nên để nó chìm đều dưới nước để rau tiếp xúc hoàn toàn với nước muối. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau sẽ từ từ mất tác dụng sau khi ngâm trong nước. Sau đó, rửa rau nhiều lần bằng nước sạch cho đến khi không còn thấy váng dầu trên bề mặt nước.
Trúc Chi (t/h)