Thiết bị điện
Lò vi sóng, lò nướng hay máy xay sinh tố đặt trên nóc tủ lạnh là hình ảnh quen thuộc tại nhiều gia đình. Tuy nhiên đây là cách bố trí sai lầm vì những thiết bị này và tủ lạnh khi hoạt động đều sinh ra nhiệt lượng lớn, đặc biệt là lò vi sóng. Lượng nhiệt từ lò ảnh hưởng xấu đến tủ lạnh, có thể dẫn đến tình trạng chập, cháy, làm suy giảm tuổi thọ của những thiết bị này. Sức nặng của lò vi sóng cũng ảnh hưởng đến tủ lạnh nếu nó không có sức chịu tải tốt.
Vì thế, bạn nên đặt lò vi sóng ở nơi khác như là bàn bếp, kệ tủ, bàn ăn... Nếu nhà quá chật không có nơi nào để đặt lò vi sóng ngoài nóc tủ lạnh, bạn hãy mang nó xuống khi dùng để đảm bảo an toàn.
Tương tự lò vi sóng, nồi chiên không dầu tỏa ra một lượng nhiệt lớn làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tủ lạnh. Do đó bạn cũng không nên đặt nồi chiên không dầu trên nóc tủ lạnh.
Các vật nặng
Nhiều người có thói quen đặt bình nước, lọ hoa hay các vật nặng khác lên nóc tủ lạnh. Đây là sai lầm làm giảm độ bền của tủ, thậm chí gây hư hỏng. Đó là chưa kể đến trường hợp khi đóng mở cửa tủ, nước từ bình có thể đổ, tràn, gây chập mạch, cháy nổ.
Kể cả các vật nhẹ, bạn cũng đừng bày đủ thứ trên nóc tủ lạnh. Việc để những món đồ linh tinh khiến nóc tủ lạnh chật cứng tưởng là vô thưởng vô phạt nhưng theo các chuyên gia phong thủy, nó ảnh hưởng đến sự tụ tài, không tốt cho tài vận của gia chủ.
Cây xanh
Nhiều người bày cây xanh trên nóc tủ lạnh vì nghĩ mang lại cảm giác xanh mát cho căn bếp và thanh lọc không khí. Tuy nhiên cách này không được khuyến khích. Vì cây xanh trong nhà cần được tưới nước và bón phân thường xuyên nên sẽ khiến môi trường xung quanh trở nên ẩm ướt. Tủ lạnh là một thiết bị điện, môi trường quá ẩm có thể gây hư hỏng các bộ phận.
Đồng thời, cây xanh cũng dễ sinh ra vi khuẩn, vi sinh vật, khi cửa tủ lạnh đóng mở thường xuyên, các vi sinh vật này có thể xâm nhập vào bên trong làm ô nhiễm thực phẩm. Bên cạnh đó, tủ lạnh sẽ tản nhiệt trong quá trình hoạt động, có thể khiến cây xanh vàng lá và chết.
Một chậu cây quá nặng có thể gây áp lực lên tủ lạnh, ảnh hưởng đến hiệu suất. Ngoài ra cây đặt trên tủ lạnh chịu nhiệt độ cao, tác dụng thanh lọc không khí sẽ giảm đi.
Vải phủ
Tủ lạnh cần tản nhiệt trong quá trình hoạt động, việc bọc tủ lạnh bằng vải sẽ làm giảm hiệu quả tản nhiệt, có thể khiến nhiệt độ tủ lạnh tăng quá cao, ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát và tuổi thọ tủ, đồng thời khiến thực phẩm không được làm lạnh đúng cách.
Lớp vải phía trên tủ lạnh có thể cản trở sự lưu thông không khí, khiến nhiệt độ xung quanh tăng cao, từ đó có thể ảnh hưởng đến các thiết bị điện ở gần. Trong trường hợp này, thiết bị điện có thể bị quá nhiệt, gây nguy hiểm.
Một số sai lầm khi sử dụng tủ lạnh mọi người cần tránh:
-Sử dụng bao nylon để bọc thực phẩm trong ngăn đá
Các bà nội trợ thường tận dụng lại các túi nylon đựng thực phẩm khi mua ở chợ về. Việc này khiến cho vi khuẩn phát triển và bám vào thực phẩm nhiều hơn.
Túi nylon thông thường được làm từ các loại nhựa tái chế, do đó không đảm bảo an toàn vệ sinh khi chứa đựng thực phẩm tươi sống. Sử dụng túi nylon để gói, bọc thực phẩm nói chung sẽ dẫn đến khả năng nhiễm chất độc vào thực phẩm, gây hại sức khỏe.
-Dùng bình nhựa để nước lọc trong tủ lạnh
Ở nhiệt độ thấp, nhựa sẽ tiết ra độc tố gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều chất độc hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ em. Do đó, bạn tuyệt đối không được dùng bình nhựa để nước lọc trong tủ lạnh.
-Lưu trữ hoặc cấp đông thực phẩm sai cách
Khi rã đông, vi khuẩn bị kìm hãm được giải phóng sẽ sinh sôi rất nhanh. Nếu cấp đông trở lại trong tủ lạnh, vi khuẩn sẽ tiếp tục gia tăng về số lượng có thể gây ngộ độc cấp tính và một số bệnh lý cho cơ thể. Do đó thực phẩm sau khi đưa ra khỏi ngăn đá không nên cấp đông trở lại.
Sau khi giết mổ gia súc, gia cầm phải cấp đông càng sớm càng tốt vì thời gian để ngoài môi trường kéo dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Tốt nhất nên mua đủ thực phẩm bảo quản trong tủ một tuần vì nếu để lâu dinh dưỡng có thể bị hư hao. Thời gian bảo quản rau xanh chỉ nên 3-4 ngày. Để càng lâu trong tủ lạnh sẽ càng làm mất đi các vitamin và khoáng chất, giảm giá trị dinh dưỡng.
-Mật ong, chuối, trà, cà phê ... không nên cho vào tủ lạnh
Trên thực tế, bánh quy, kẹo, dưa chua, thực phẩm dạng bột hoặc sấy khô… không cần cho vào tủ lạnh. Vì những thực phẩm này có hàm lượng nước cực thấp hoặc nồng độ đường và muối quá cao, áp suất thẩm thấu cao khiến các vi sinh vật không thể sinh sản.
Quan trọng hơn, một số loại thực phẩm sau khi cho vào tủ lạnh không những không đạt chất lượng mà còn dễ bị hỏng, mùi vị kém hơn.
Trái cây nhiệt đới như xoài và chuối thích hợp bảo quản tại nơi mát mẻ ở nhiệt độ phòng. Nếu để trong tủ lạnh, chúng sẽ bị tổn hại và giảm chất lượng sớm.
Cho mật ong vào tủ lạnh, đường mật sẽ kết tinh. Sự thay đổi này không ảnh hưởng đến độ an toàn của mật ong mà chỉ ảnh hưởng đến độ đồng nhất của mùi vị.
Ngoài ra, các sản phẩm khô như trà, sữa bột, cà phê,… chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng. Khi đặt trong tủ lạnh rất dễ bị ẩm, nếu không đậy kín nắp sẽ có mùi, ảnh hưởng đến hương vị và dễ bị mốc. Nếu muốn giữ được lá trà lâu hơn, bạn có thể chia lá trà thành từng gói nhỏ, gói kín trong bao bì không thấm nước rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh để giảm mất mùi thơm.
Minh Hoa (t/h)