Bác sĩ vùng cao - Bài 2: “Tấm lá chắn” bảo vệ sức khoẻ nhân dân vùng khó khăn

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 6, 02/08/2024 14:33

Với tấm lòng thiện lương, tất cả vì người bệnh, những người thầy thuốc trẻ đang thầm lặng nguyện dành trọn cuộc đời cho nghề y tại các xã khó khăn.

CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ NHỮNG BÁC SĨ CHỌN NƠI KHÓ KHĂN ĐỂ TRƯỞNG THÀNH

LTS: Được đào tạo bài bản, ra trường với cơ hội rộng mở, nhưng nhiều bác sĩ trẻ đã bỏ lại sau lưng, xung phong về vùng khó khăn ở tuyến xã miền núi để khám, chữa bệnh cho bà con dân bản.

Với tấm lòng thiện lương, tất cả vì người bệnh, những bác sĩ trẻ đang thầm lặng nguyện dành trọn cuộc đời cho nghề y tại các xã khó khăn.

Bác sĩ trẻ vùng cao bám dân, bám bản

Phải chờ đến tận 12h trưa, chúng tôi mới gặp được nữ bác sĩ Vi Thị Đậu (SN 1993), Trưởng Trạm Y tế xã Tam Hợp, huyện miền núi Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Tất tả từ sáng sớm cho đến giờ nên chiếc áo blouse của bác sĩ Đậu đã ướt đẫm mồ hôi từ lúc nào không hay biết. 

"Sáng nay, xã có sự kiện thể dục thể thao, vì vậy người dân ngoài việc về trung tâm xem bóng còn kết hợp đến trạm y tế để kiểm tra sức khoẻ. Cộng thêm đợt này thời tiết thay đổi nên người già và trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều, họ toàn đến trạm để khám và lấy thuốc", bác sĩ Đậu cho biết.

Bác sĩ vùng cao - Bài 2: “Tấm lá chắn” bảo vệ sức khoẻ nhân dân vùng khó khăn- Ảnh 1.

Trạm Y tế Tam Hợp là một trong những cơ sở y tế tiếp đón lượng bệnh nhân nhiều nhất huyện.

Chị Vi Thị Đậu tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, trường Đại học Y dược Hải Phòng vào năm 2019. Thời điểm đó có nhiều cơ hội cho chị tại các cơ sở y tế thành phố, thế nhưng nghe theo tiếng gọi của quê nhà, chị đã bỏ lại tất cả để về TrạmY tế xã Tam Hợp công tác.

Tam Hợp là một trong những xã rộng nhất huyện miền núi Quỳ Hợp, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nên lượt bệnh nhân đến khám tại trạm y tế vô cùng lớn.

Tuy nhiên, với trình độ và sự nhiệt huyết dành cho nghề, chị đã nhanh chóng bắt kịp với công việc. 

Cùng với tính cách hòa đồng, thân thiện, chị đã để lại dấu ấn tốt với người dân đến khám chữa bệnh. Vì vậy, đến ngày 1/7/2024 vừa qua, chị vinh dự được bổ nhiệm làm Trưởng Trạm Y tế xã Tam Hợp chỉ sau 5 năm công tác.

Tự nhận mình là người ít khi lo lắng, hơn nữa trước lúc tốt nghiệp đã xác định về quê nhà với bà con, nhưng nữ bác sĩ Vi Thị Đậu thừa nhận: "Làm việc ở vùng khó khăn đúng là... khó khăn thật!".

Chị và đồng nghiệp luôn căng mình với những ca trực 24 giờ, không kể cuối tuần hay ngày lễ, bởi đặc thù của người dân là khi nào rảnh mới đến trạm y tế để thăm khám.

Bác sĩ vùng cao - Bài 2: “Tấm lá chắn” bảo vệ sức khoẻ nhân dân vùng khó khăn- Ảnh 2.

Các bệnh nhân đa số là người lớn tuổi đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Đậu thì áp lực nhất, bất lực nhất là khi không đủ máy móc để điều trị cho người bệnh. Những lúc ấy, chị phải linh hoạt để xử lý tình huống. 

"Trạm y tế xã là tuyến đầu khám chữa bệnh, hiện nay đường xá đã thuận tiện nên các ca khó sẽ lập tức chuyển đến Trung tâm y tế huyện hoặc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, cách đây 20km. Tuy nhiên, khó nhất là với đồng bào dân tộc, người lớn tuổi, quan điểm về cách trị bệnh của họ cũng khác", chị Đậu nói thêm.

Vì thế, chị phải từ từ giải thích cho bà con hiểu, "phải gần gũi bà con, dần dần bà con sẽ tin tưởng và nghe theo cách điều trị của mình". 

Các nhân viên y tế thường đùa với nhau, ngoài làm nghề y thì họ còn phải kiêm thêm nghề "tuyên truyền". Bởi với mỗi đối tượng khác nhau, căn bệnh khác nhau, chị và đồng nghiệp lại phải có một phương pháp khác nhau để giải thích và tư vấn.

Bác sĩ vùng cao - Bài 2: “Tấm lá chắn” bảo vệ sức khoẻ nhân dân vùng khó khăn- Ảnh 3.

Có trình độ, lại nhiệt tình, nên các bệnh nhân rất thích đến gặp bác sĩ Đậu để thăm khám.

Bà Phan Thị Long (SN 1963), trú xóm Vạn Tiến, xã Tam Hợp cho biết: "Cơ thể tôi vốn ốm yếu, giờ đây bước sang tuổi già càng lắm bệnh. Mấy năm trước, mỗi khi đau mỏi, tôi chẳng dám đến trạm y tế xã do không có bác sĩ nên sợ họ không biết khám, toàn phải đi chục cây số lên bệnh viện huyện. 

Nhưng rồi, từ khi bác sĩ về xã thì tôi an tâm hẳn, mỗi tháng đến vài lần để khám sức khoẻ. Đáng quý hơn, bác sĩ Đậu tuy trẻ nhưng lại rất "mát tay" và vô cùng nhiệt tình".

Bác sĩ trẻ xung kích vì sức khỏe cộng đồng

Bác sĩ Phạm Đình Luyện, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho hay, Quỳ Hợp có hơn 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống tập trung ở 14 xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Khi mắc bệnh, bà con thường đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, trung bình mỗi ngày có từ 150 đến 200 người đến đây.

"Khi các trạm y tế xã có bác sĩ sẽ giảm tải rất nhiều số lượng bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như làm tốt công tác dự phòng tại các xã. Vì thế, đơn vị luôn cố gắng thu hút nguồn nhân lực là các y bác sĩ về tuyến cơ sở này", bác sĩ Luyện nói.

Bác sĩ vùng cao - Bài 2: “Tấm lá chắn” bảo vệ sức khoẻ nhân dân vùng khó khăn- Ảnh 4.

Với chính sách thu hút, hiện đã có 6 bác sĩ trẻ được Trung tâm Y tế phân công về xã công tác.

Ngoài ra, bây giờ các trạm y tế cũng đã được đầu tư nâng cấp với các trang thiết bị tương đối phù hợp trình độ của bác sĩ cơ sở. Vì vậy, những bác sĩ trẻ mới ra trường có nhiều thuận lợi để khẳng định vai trò của mình. 

Qua đó, vừa nâng cao được tính chủ động trong hoạt động chuyên môn, vừa chia sẻ khó khăn với người dân nghèo không có điều kiện đến các cơ sở chuyên sâu điều trị.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp, ngoài việc khám, chữa bệnh tại trạm y tế, các bác sĩ trẻ cũng triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế. Từ vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, phun thuốc phòng bệnh, bảo vệ môi trường đến kiểm soát dịch bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình…

Ðồng thời, các bác sĩ cũng sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra những giải pháp kịp thời và tham mưu cho UBND xã về các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giám sát dịch bệnh, triển khai các phương án phòng dịch và báo cáo lên tuyến trên.

"Quỳ Hợp hiện có 6 bác sĩ trẻ về các trạm y tế xã khó khăn nhất của huyện. Cho đến thời điểm này, dấu chân bác sĩ trẻ đã in trên những con đường bản làng vùng cao, họ không quản ngại khó khăn và luôn tâm huyết với nghề. 

Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện luôn đặc biệt tin tưởng, giao cho các bác sĩ trẻ về giúp các xã vùng sâu, chăm sóc sức khỏe nhân dân", bác sĩ Luyện nói.

Bác sĩ vùng cao - Bài 2: “Tấm lá chắn” bảo vệ sức khoẻ nhân dân vùng khó khăn- Ảnh 5.

Khi các trạm y tế xã có bác sĩ sẽ giảm tải rất nhiều số lượng bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện.

Về việc này, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ, các bác sĩ sau khi về y tế cơ sở, với trình độ chuyên môn cao cùng với tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, giải quyết được nhiều ca bệnh khó không phải chuyển tuyến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các vùng khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết thêm, y đức bác sĩ không phải là những gì cao siêu, xa vời. Y đức là tấm lòng thương yêu, là những việc làm bình dị đối với người bệnh, người dân vùng cao, vùng xa. 

Sức khỏe, niềm vui, niềm tin của dân làng chính là sợi dây bền, là hạnh phúc của người thầy thuốc.

Đối với tuyến xã tại tỉnh Nghệ An hiện chỉ có 360/460 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu, 70 trạm y tế xã đã điều chuyển bác sĩ từ trung tâm y tế về có thời hạn và hợp đồng lại 19 bác sĩ đã nghỉ hưu. Hiện, Nghệ An còn có 30 trạm y tế không có bác sĩ, ngành phải sử dụng y sĩ đa khoa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh.

Bài 3: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở vùng khó khăn nhờ bác sĩ trẻ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.