“Bữa ăn an toàn”- bao giờ mới có?

“Bữa ăn an toàn”- bao giờ mới có?

Thứ 5, 27/12/2012 23:40

Thực tế cho thấy các loại thực phẩm, củ quả càng đa dạng, phong phú bao nhiêu thì người dân càng thêm lo về tình trạng rau quả nhiễm hóa chất độc hại bày nhiều; trong khi đó thịt gia súc, gia cầm, thủy sản vẫn còn dư lượng kháng sinh, phooc môn, hàn the rất nhiều.

Việc sử dụng hóa chất, phụ gia ngoài danh mục cho phép vẫn còn tồn tại. Người bán hàng sẵn sàng cho bất kỳ chất gì có thể có lợi cho họ vào thực phẩm mặc dù biết chúng không tốt cho sức khỏe, nhưng vẫn "vô tư" sử dụng...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Phong, phó Cục trưởng cục ATVSTP (bộ Y tế), cho biết, tính đến hết tháng 11 vừa rồi, có gần 470.000 tấn hàng (hơn 19.000 lô) được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 54 lô (tương đương 60 tấn) không đạt yêu cầu. Cả nước xảy ra 164 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 5.400 người mắc, 4.300 người phải nhập viện và 33 người tử vong (tăng hơn so với năm 2011). Đặc biệt, ngộ độc do hóa chất là 6,7%. Những vi phạm chỉ là "bề nổi", còn "phần chìm" của vấn đề ATVSTP thì các cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát.

Xã hội - “Bữa ăn an toàn”- bao giờ mới có?

Ảnh minh họa.

Mặc dù ngành Y tế đã có nhiều biện pháp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đối với các trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, do buông lỏng quản lý, không tuân thủ pháp luật thì cách chức, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nhưng xem ra, việc xử lý những sai phạm "chỉ như muối bỏ bể", dù có thanh tra rõ sai phạm nhưng các cơ quan vẫn "lực bất tòng tâm", phạt... cho xong, còn người tiêu dùng thì cứ mặc kệ kiểu "sống chết mặc bay?”.

Để đảm bảo ATVSTP, bộ Y tế vừa phát động chiến dịch "bữa ăn an toàn" vào dịp Tết Nguyên đán 2013. Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra bộ Y tế cho biết: "Trong tháng 12, Cục thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt, bánh kẹo, hoa quả, rượu.

Chiến dịch "bữa ăn an toàn" là điểm nhấn để nâng cao ý thức người dân nhằm đảm bảo có một cái Tết an lành. Cục sẽ tích cực tuyên truyền để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn, mua thực phẩm có nguồn gốc và tích cực tham gia tẩy chay các thực phẩm không đảm bảo. Bộ Y tế cũng sẽ thành lập 8 - 10 đoàn thanh, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Nguyên đán.

Ông Trung cũng cho biết, từ ngày 25/12/2012, Nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP sẽ có hiệu lực, các hành vi vi phạm ATVSTP sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhiều sai phạm trước kia mức phạt chỉ 50.000 - 100.000 đồng, nay tăng lên 3 - 5 triệu đồng, mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng.

Đặc biệt, cơ sở kinh doanh thực phẩm mất an toàn sẽ bị phạt tiền cao gấp 7 lần giá trị hàng hóa. Nếu như trước đây, chỉ cơ quan thanh tra hoặc quản lý thị trường mới có quyền xử phạt, thì Nghị định 91 đã mở rộng chức năng xử phạt cho Cục trưởng cục ATTP, các Chi cục trưởng Chi cục ATTP các tỉnh đều có quyền xử phạt hành chính, phạt tiền, phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trước đó.

Mặc dù, bộ Y tế đã thực hiện những biện pháp siết chặt quản lý vệ sinh ATTP, song người tiêu dùng vẫn quan ngại về chất lượng thực phẩm "sạch" có nguy cơ bị thực phẩm "bẩn" trà trộn trên thị trường. Nguy cơ mất ATVSTP ở tất cả các khâu, từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đến tiêu thụ. Câu hỏi "bữa ăn an toàn" vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp và người dân còn phải lo đến bao giờ?

Ngân Giang


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.