Tam quốc diễn nghĩa là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 với 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa La Quán Trung mô tả Trương Phi cao tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én, tính cách vô cùng khảng khái, bộc trực và rất nóng nảy nên đôi khi hành xử có phần thô lỗ. Chính vì sự lỗ mãng của mình nên nhiều khi ông đã chịu thất bại.
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép, Trương Phi tuy tính tình nóng nảy, bản chất thật thà, suy nghĩ đơn giản, nhưng Trương Phi trên thực tế còn là dũng tướng biết dùng mưu. Những câu chuyện liên quan đến Trương Phi như Roi quất quan đốc bưu, đơn độc chống quân Tào ở cầu Trường Bản, dùng mưu lấy ải Ngõa Khẩu, bắt Nghiêm Nhan đã chứng minh điều này.
Năm 213, Lưu Bị mâu thuẫn với người anh em Lưu Chương, dẫn đến cuộc giao tranh ở Ích Châu. Trương Phi cùng nhiều tướng khác theo Gia Cát Lượng dẫn quân đến cứu viện.
Lưu Chương bày binh bố trận chặt chẽ ở Ích Châu nhưng lại để ngỏ Giang Châu, thủ phủ của Ba Quận. Lão tướng Nghiêm Nhan quyết cố thủ nhưng Ba Quận đã bị quân Thục tràn vào không lâu sau đó.
Cuốn Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ đã ghi chép lại màn đấu khẩu giữa Trương Phi và Nghiêm Nhan.
“Đại tướng quân, vì sao không hàng mà dám kháng cự”, Trương Phi hỏi. Nghiêm Nhan không chút sợ hãi, lớn tiếng đáp: “Các người cướp đất của ta, đất Giang Châu dù có tướng bị mất đầu, chứ quyết không có tướng đầu hàng giặc”.
Trương Phi nghe vậy, vô cùng bực tức, hạ lệnh đem Nghiêm Nhan đi chặt đầu trước dân chúng. Đứng trước cái chết, Nghiêm Nhan vẫn cười lớn: “Chém đầu thì chém đầu, việc gì mà phải tức giận như thế”.
Ngưỡng mộ trước khí khái phi phàm của Nghiêm Nhan, Trương Phi đổi giận thành vui, tự tay cởi trói và tiếp đãi đối phương như thượng khách.
Theo các học giả Trung Quốc, việc Trương Phi thu phục Nghiêm Nhan cho thấy, ông không thể là kẻ hữu dũng vô mưu như người đời sau lầm tưởng.
Trương Phi còn là một người quân tử, có tầm nhìn xa trông rộng khi biết trọng dụng tướng tài nhưng chọn lầm phe như Nghiêm Nhan.
Ngoài ra, Nghiêm Nhan có thế lực và sự ủng hộ của quân sĩ ở Ba Quận. Đối đãi tốt với Nghiêm Nhan cũng tranh thủ được sự ủng hộ và lòng tin của giới quý tộc đất Ích Châu. Lưu Bị vào Ích Châu cốt yếu là lấy lòng người. Về điểm này, Trương Phi thực sự đã làm đúng những gì mà huynh đệ kết nghĩa mong đợi.
Lão tướng Nghiêm Nhan cũng là người tính tình chất phác, thẳng thắn, một khi được đối đãi như thượng khách, ắt sẽ tận tâm tận lực hết mình, không bao giờ có dã tâm làm phản.
Các học giả Trung Quốc nhận định, cách Trương Phi thu phục Nghiêm Nhan cũng hết sức khôn khéo.
Trương Phi dọa dẫm để Nghiêm Nhan có cơ hội thể hiện dũng khí, sau đó bất ngờ thay đổi thái độ, chuyển sang đối đãi nồng hậu để Nghiêm Nhan không bị tổn thương, giữ được sĩ diện, tránh khỏi việc bị người đời chê trách.
Nhận thấy Nghiêm Nhan đúng là vị tướng anh dũng, thà chết chứ không chịu nhục, Trương Phi mới đồng ý tha chết. Điều này cho thấy Trương Phi đã có dự tính kỹ lưỡng từ trước, và con mắt nhìn người cẩn thận.
Có thể nói, ở một chừng mực nào đó, Trương Phi không hề thô lỗ, xấu xí, nông cạn như người đời sau vẫn hay lầm tưởng.
Trần Thọ, tác giả sách sử Tam quốc chí có đánh giá về ông như thế này: “Trương Phi sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Phi bạo mà nóng, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.
Trương Phi (? – năm 221), tự Dực Đức, người tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc hiện nay. Trương Phi giữ chức Hữu tướng quân, sau khi Lưu Bị xưng đế, được phong làm Tây Hương Hầu. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo, làm nghề bán rượu, thân hình to lớn, dung mạo oai phong, được học hành cả võ nghệ lẫn sách vở.
Trương Phi là người sát cánh cùng Lưu Bị từ thuở hàn vi, ông đã đóng góp rất nhiều cho sự ra đời của nước Thục. Trương Phi nổi tiếng với sức khỏe địch muôn người cùng với sự dũng cảm coi thường cái chết.
Ông lập nhiều chiến công hiển hách như tham gia dẹp giặc Khăn Vàng, chặn quân Tào Tháo ở trận Trường Bản, truy kích Tào Tháo ở trận Xích Bích, đánh Tây Xuyên, thu phục Nghiêm Nhan, giao tranh với Trương Cáp ở Ba Tây, đánh nhau với Mã Siêu…
Quốc Tiệp (t/h)